Nghệ thuật truyền thống: Người theo đuổi, kẻ quay lưng
Nền nghệ thuật truyền thống của Việt Nam vốn vô cùng sâu sắc và phong phú, đa dạng. Một số loại hình âm nhạc như quan họ, ca trù, hát xoan... được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Nhiều bạn trẻ vẫn dành phần lớn tình yêu cho âm nhạc truyền thống, nhưng một số lại sẵn sàng quay lưng.
Xu hướng sính nhạc ngoại
Trong thời đại giao lưu, hội nhập như hiện nay, giới trẻ Việt Nam có nhiều điều kiện hơn để tiếp xúc dễ dàng với các nền văn hóa khác. Nhạc Âu Mỹ, nhạc Hàn Quốc... có vẻ dễ dàng được giới trẻ tiếp nhận hơn. Đối với một bộ phận lớn giới trẻ hiện nay, họ có thể thuộc tên của ca sĩ nước ngoài, tên của các ca sĩ nhạc hiện đại nhưng không thể kể tên một nghệ sĩ nhạc dân gian nào.
Em Nguyễn Thảo Linh, học sinh lớp 12 Trường THPT Lạng Giang số 2, thường xuyên theo dõi thị trường âm nhạc Hàn Quốc, hiểu rõ những câu chuyện xoay quanh ca sĩ Hàn Quốc cho biết: “Em thích nghe nhạc Hàn vì nó có MV bắt mắt, giai điệu mới lạ, có sự đầu tư lớn, hình ảnh của ca sĩ cũng được chú trọng. Nhiều người lớn như bố mẹ em thì không hiểu về nhạc Hàn, họ chỉ thích nhạc dân gian như cải lương, quan họ... nhưng đối với bọn em thì nhạc Hàn rất cuốn hút”.
Chuyện một số bộ phận giới trẻ không hiểu, không cảm thụ được dòng nhạc dân gian không còn lạ nữa. Bạn Thân Thanh Hiền, sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội chia sẻ: “Mỗi lần về quê, thấy bố mẹ bật tivi nghe quan họ, chèo... là mình ra chỗ khác luôn. Mình không thể nghe được nhạc dân gian và cũng chẳng hiểu gì về nó, cả giai điệu và tiết tấu đều chậm cứ như thể ru ngủ vậy”.
Không thể phủ nhận những giá trị mà nghệ thuật truyền thống mang lại, nhưng vốn cổ của dân tộc lại chưa đủ đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả trẻ hiện nay.
Có hiểu mới có yêu...
Trong khi nghệ thuật truyền thống còn đang tìm đường để tiếp cận giới trẻ nhiều hơn, thì một số người trẻ cũng đang nỗ lực để theo đuổi dòng nhạc này. Thời gian gần đây, trong một số chương trình âm nhạc dành cho giới trẻ cũng xuất hiện đan xen nhiều hơn các bài biểu diễn mang màu sắc của âm nhạc dân gian. Qua các cuộc thi đó, giới trẻ sẽ được tiếp xúc nhiều hơn với thể loại âm nhạc dân tộc.
Bạn Nguyễn Vũ Hà Anh, sinh viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã định hướng theo đuổi dòng nhạc dân gian từ khi còn là sinh viên năm nhất. Hà Anh chia sẻ: “Dòng nhạc dân tộc không phải ai cũng đủ yêu để theo đuổi. Từ bé, được nghe bà và mẹ hát, em đã yêu nó từ lúc nào không biết nữa. Khi theo học tại trường, em được tiếp xúc và học hỏi một cách chuyên nghiệp hơn, em lại càng muốn gìn giữ những nét truyền thống này. Ngoài em ra, rất nhiều bạn sinh viên khoa Thanh nhạc cũng đang theo đuổi dòng nhạc nhẹ và nhạc truyền thống”.
Hà Anh cũng khẳng định thêm, dòng nhạc dân gian không giống với dòng nhạc thị trường, không phải bạn trẻ nào cũng cảm thụ được. Người yêu nhạc dân gian sẽ thấy thấm đẫm từng lời ru trong câu hát, hiểu từng tâm tình mà tác giả dân gian gửi gắm, nhưng người nào không hiểu thì nghe lời còn cảm thấy mơ hồ. Vì vậy, nếu muốn giới trẻ yêu dòng nhạc dân gian hơn, ngoài việc phổ biến rộng rãi trên các kênh truyền thông đại chúng, cần phải tìm cách để phổ biến ý nghĩa của lời hát, đặc biệt là các câu hát, câu ví von cổ.
Tại các trường nghệ thuật, dòng nhạc dân gian vẫn được nhiều bạn sinh viên chọn lựa làm hướng đi chính. Vì vậy, rất khó để trả lời câu hỏi, giới trẻ đã thật sự quay lưng với âm nhạc truyền thống hay chưa. Nhưng có thể khẳng định rằng, dù nghệ thuật truyền thống có lay lắt, phải tìm lối đi riêng thì nó vẫn tiếp tục tồn tại, và ngày ngày được lưu truyền bởi những con người đủ hiểu, đủ yêu dòng nhạc này.
Nghệ thuật dân gian luôn ẩn chứa nhiều giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại. Vì vậy, việc bảo tồn và giữ gìn nó là nhiệm vụ của tất cả mọi người, thế hệ này truyền sang thế hệ khác. Bên cạnh việc tiếp thu những giá trị tốt đẹp của văn hóa khác trên thế giới trong quá trình hội nhập, thì việc bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc cổ truyền là một con đường tất yếu đối với sự phát triển dân tộc.
Theo Minh Vân (GD&TĐ)