Đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ theo ba cấp độ
Không chỉ thực hiện dân chủ ở cấp cơ sở mà Bộ LĐTBXH còn có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, làm gương để thực hiện dân chủ trong các sở, phòng LĐTBXH, hệ thống các cơ sở đào tạo nghề nghiệp…; đề ra các giải pháp để thực hiện quyền làm chủ của người dân trong những lĩnh vực mà Bộ quản lý.
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong cuộc kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ tại Bộ LĐTBXH, chiều 4.7.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở Bộ LĐTBXH, chiều 4.7. Ảnh: VGP/Đình Nam
Thực hiện tốt quy chế dân chủ là mục tiêu, động lực phát triển
Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, tình hình xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của Bộ từ năm 2016 đến nay đã bảo đảm nề nếp theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Công tác quản lý, điều hành chú trọng theo hướng gần dân, tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân, vì nhân dân phục vụ; nâng cao ý thức, trách nhiệm và khắc phục được tệ quan liêu trong quản lý, điều hành và triển khai thực hiện.
Hệ thống các văn bản về thực hiện quy chế dân chủ được ban hành tương đối đầy đủ, cụ thể, kịp thời; sự vào cuộc tích cực, chủ động của các đơn vị thuộc Bộ, nhất là vai trò, sự gương mẫu của người đứng đầu trong quá trình triển khai, thực hiện và thực thi công vụ.
Thông qua việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, doanh nghiệp đã giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị của người lao động, phát huy tinh thần sáng tạo, thúc đẩy nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống, thu nhập của người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp, giảm thiểu tranh chấp lao động và đình công.
Bộ LĐTBXH quyết liệt triển khai công tác cải cách hành chính, nhất là các thủ tục hành chính, chế độ công vụ, công chức. Năm 2017, chỉ số kết quả cải cách hành chính của Bộ tăng 7 bậc so với năm 2016 (xếp thứ 12/19 bộ, ngành, thuộc nhóm 12 Bộ, ngành có chỉ số cải cách hành chính cao nhất trong năm); đơn giản hóa 90 thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 đối với 14 thủ tục, nhóm thủ tục hành chính. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm. Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư thực hiện theo cơ chế "một cửa"; thực hiện công khai số điện thoại đường dây nóng, lịch tiếp công dân vào ngày 20 hàng tháng; ứng dụng phần mềm quản lý đơn thư giúp thời gian xử lý đơn thư được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 5 ngày.
Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong hoạt động của một số đơn vị của Bộ chưa thường xuyên. Một bộ phận nhỏ cán bộ chưa quyết liệt trong công việc, đạo đức công vụ, tinh thần làm việc và thái độ phục vụ nhân dân có mặt còn hạn chế, còn vấn đề bức xúc trong nhân dân chưa được xử lý kịp thời.
Một số ít nơi nội bộ đơn vị còn mất đoàn kết, còn tình trạng đơn thư nặc danh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc. Nguyên nhân chính là do nhận thức và trách nhiệm của một số ít cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu đơn vị thuộc Bộ về thực hiện dân chủ ở cơ sở chưa đầy đủ, còn mang tính hình thức. Tổ chức đoàn thể ở một số đơn vị chưa thực hiện tốt vai trò giám sát. Một bộ phận nhỏ cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu, dẫn đến hiệu quả công việc chưa cao.
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết: Bộ xác định thực hiện tốt quy chế dân chủ là mục tiêu, động lực phát triển. Với phương châm "Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, cụ thể", Bộ đề ra các mục tiêu cụ thể hướng tới 14 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể hóa bằng công việc. Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin được tăng cường, tạo bước chuyển biến ban đầu.
Tuy nhiên, việc thực hiện quy chế dân chủ ở khối doanh nghiệp nhà nước được quan tâm, đề cao nhưng trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nơi chưa thực hiện tốt công tác này. Thời gian tới cần tiếp tục cụ thể hóa công tác này. "Ở đâu vai trò tập thể, nhất là người đứng đầu được phát huy, ở đó dân chủ được tăng cường".
Vận động, tuyên truyền đi đôi với giải pháp mạnh
Kết luận cuộc kiểm tra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo Bộ LĐTBXH nhận thức đầy đủ 3 cấp độ thực hiện quy chế dân chủ. Trước hết Bộ LĐTBXH là một cơ sở thực hiện quy chế dân chủ. Tiếp đến là chỉ đạo, phối hợp, làm gương để thực hiện quy chế dân chủ cho các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trường nghề, hệ thống các trung tâm, sở, phòng LĐTBXH. Cuối cùng là đề ra các giải pháp để thực hiện quyền làm chủ của người dân trong những lĩnh vực mà Bộ quản lý.
“Bộ LĐTBXH cần đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ đối với cơ quan thuộc quyền quản lý, các trung tâm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Ví dụ như xây dựng quy chế mẫu, quy chế ứng xử trong một cơ sở giáo dục nghề nghiệp rồi từ đó phổ biến, tập huấn cho các trường khác. Khi có một bộ quy chế thật bài bản, chi tiết, được tập thể người lao động thông qua thì bảo đảm dân chủ cơ sở được thực hiện tốt hơn”, Phó Thủ tướng gợi ý.
Là bộ quản lý nhiều lĩnh vực liên quan đến người dân như lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, tiền lương, giáo dục nghề nghiệp, phòng chống tệ nạn xã hội trẻ em, đặc biệt là người có công…, Phó Thủ tướng lưu ý Bộ LĐTBXH bảo đảm các điều kiện để "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" nhưng cũng cần hết sức chú trọng tuyên truyền để người dân hiểu về trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm xã hội của mình. Nói đến thực hiện dân chủ không chỉ là vận động mà cũng cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt.
Ngoài ra, Bộ LĐTBXH cần tăng cường phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội để làm công tác dân vận chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là trong lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến; làm tốt công tác bồi dưỡng cán bộ với phương châm “người cần dân vận đầu tiên chính là công chức, cán bộ chính quyền”. Như vậy thì hiệu lực, hiệu quả của bộ máy chính quyền được nâng lên, công tác dân vận chính quyền, bảo đảm dân chủ cơ sở mới đi vào thực chất.
Theo Đình Nam (Chinhphu.vn)