Quy hoạch không gian tổng hợp vùng biển ven bờ:
Góp phần quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý
Trong khuôn khổ của Dự án (DA) “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” (CRSD) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, năm 2013 tỉnh ta tiến hành quy hoạch không gian tổng hợp vùng biển ven bờ. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, kiêm Giám đốc Ban quản lý (BQL) DA CRSD tỉnh, về vấn đề này.
* Xin ông cho biết mục tiêu và phạm vi xây dựng quy hoạch không gian tổng hợp vùng biển ven bờ?
- Quy hoạch không gian tổng hợp (Integrated spatial planning - ISP) vùng biển ven bờ là một khung quy trình quy định quản lý, sử dụng, phân vùng tổng hợp dựa vào hệ sinh thái, các nguyên tắc, kế hoạch, thời gian để quản lý một vùng biển ven bờ đã xác định nhằm đạt được cả mục đích bảo tồn và khai thác đa ngành. Đây là một phương thức triển khai nhằm xây dựng và thiết lập cơ chế pháp lý về khai thác không gian vùng biển ven bờ và các tác động giữa các mục đích sử dụng, để từ đó cân bằng các nhu cầu phát triển và bảo vệ các hệ sinh thái biển, nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế, xã hội theo hướng phát triển bền vững.
ISP được giới hạn bởi mực nước thủy triều thấp nhất và tuyến bờ hoặc không quá 6 hải lý tính từ mực nước thủy triều thấp nhất của đảo. Năm 2013, trong khuôn khổ Dự án CRSD, BQL dự án đã triển khai hoạt động ISP. Mục tiêu là nâng cao năng lực cho cán bộ cấp tỉnh, huyện về quy hoạch và hỗ trợ xây dựng ISP cho huyện và tỉnh, góp phần áp dụng cách tiếp cận ISP vào xây dựng các kế hoạch phát triển ngành thủy sản nhằm đảm bảo tính thống nhất trong quy hoạch đa ngành ở vùng nước ven bờ của tỉnh.
* Vì sao tỉnh ta lại phải xây dựng quy hoạch không gian tổng hợp vùng biển ven bờ, thưa ông?
- Tỉnh ta có bờ biển dài 134 km và nhiều đầm phá với nguồn lợi thủy sản (NLTS) phong phú, tạo nguồn thu nhập và giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận người dân. Hoạt động khai thác thủy sản của tỉnh phát triển khá mạnh, nhất là khai thác thủy sản ở vùng biển xa. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển NLTS cũng được tăng cường bằng nhiều biện pháp cụ thể. Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận, kinh tế biển ở tỉnh ta phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Nguyên nhân là do nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các ngành, chính quyền và người dân các địa phương ven biển còn chưa đầy đủ. Cơ sở hạ tầng các vùng ven biển ở tỉnh ta còn yếu kém, lạc hậu, manh mún. Hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển còn hạn chế. Trong khi đó, hoạt động khai thác và sử dụng nguồn lợi từ biển chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, thiếu hoặc không tuân thủ quy hoạch biển, đảo, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển.
Mặt khác, việc quản lý không gian vùng biển ven bờ ở tỉnh ta còn theo cách truyền thống, nghĩa là mỗi ngành một quy hoạch và các ngành chỉ chú ý đến lợi ích của ngành mình mà chưa quan tâm đến ngành khác, vì thế đã gây ra những mâu thuẫn, xung đột về lợi ích, làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên, môi trường ven biển. Chính vì vậy cần phải xây dựng quy hoạch không gian tổng hợp vùng biển ven bờ nhằm tăng cường năng lực quản lý, bảo vệ, sử dụng và khai thác tài nguyên, môi trường không gian ven biển phục vụ cho sự phát triển bền vững kinh tế biển.
* Đến nay, việc xây dựng ISP ở tỉnh ta đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?
- Nhằm thực hiện việc xây dựng ISP đạt hiệu quả, từ năm 2012 đến nay, tỉnh ta đã thành lập 1 tổ công tác liên ngành ISP cấp tỉnh và 5 tổ công tác ISP cấp huyện (Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước và TP Quy Nhơn). BQL DA đã phổ biến và đào tạo các kỹ năng về đánh giá môi trường, quy hoạch và giám sát ISP cho cán bộ tỉnh và các huyện, thành phố, các xã, phường ven biển tham gia DA.
BQL DA chọn Hoài Nhơn làm thí điểm, xây dựng ISP huyện Hoài Nhơn, bao gồm 6 xã ven biển: Tam Quan Bắc, Tam Quan Nam, Hoài Thanh, Hoài Hương, Hoài Hải, Hoài Mỹ.
Các thành viên tổ ISP cấp tỉnh, các chuyên gia, tư vấn của BQL DA hỗ trợ tổ ISP huyện Hoài Nhơn xây dựng đề cương chi tiết thực hiện hoạt động ISP ở huyện. Tổ chức hội thảo phổ biến cho cộng đồng dân cư hiểu rõ về ISP. Khảo sát thực địa, thu thập thông tin hiện trạng liên quan đến nuôi trồng và khai thác thủy sản, nguồn lợi và đa dạng sinh học, môi trường... của 6 xã ven biển ở huyện Hoài Nhơn. Thu thập thông tin và xây dựng bản đồ về các hoạt động của con người; xây dựng báo cáo phân tích, đánh giá về môi trường, xã hội của huyện và đa dạng sinh học các nguồn lợi biển tại khu vực nghiên cứu…
Trên cơ sở đó, xây dựng dự thảo báo cáo ISP, đồng thời tổ chức hội thảo thu thập các ý kiến đóng góp của các sở, ngành, chính quyền các địa phương tham gia DA. Hoàn thiện báo cáo ISP trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiến tới thực hiện các hợp phần tạo sinh kế cho người dân ven biển phát triển hài hòa giữa đời sống và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên ven biển.
* Xin cảm ơn ông!
DA CRSD được thực hiện từ năm 2012-2017 tại 8 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng và Cà Mau. Tổng kinh phí thực hiện DA là 117,89 triệu USD, trong đó nguồn vốn vay của WB là 100 triệu USD (chiếm 84,8%), vốn đối ứng trong nước 17,89 triệu USD (chiếm 15,2%). DA gồm 4 hợp phần: A - Tăng cường năng lực thể chế cho quản lý nghề cá bền vững; B - Thực hành tốt nuôi trồng thủy sản bền vững; C - Quản lý bền vững nghề cá ven bờ; D - Quản lý, giám sát và đánh giá DA.
Mục tiêu của DA nhằm cải thiện quản lý bền vững nghề cá ven biển tại các tỉnh thực hiện DA; góp phần nâng cao khả năng chống chịu của các vùng ven biển trước biến đổi khí hậu, nâng cao tính bền vững trong các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng ven biển, thúc đẩy tính cạnh tranh của nền kinh tế dựa vào nguồn lợi tại các khu vực ven biển.
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)