Sinh viên Việt đang thiếu kỹ năng gì?
Trong các kỹ năng nghề nghiệp thì kỹ năng tự học, linh hoạt hòa nhập và thích nghi với môi trường làm việc và yêu cầu của công việc được các nhà tuyển dụng nhấn mạnh.
Sinh viên Việt Nam vẫn thiếu một số kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần
Nghiên cứu cũng chỉ ra một thách thức là dẫu các trường đại học đã đưa việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp vào chương trình giảng dạy, các nhà tuyển dụng vẫn thấy đây là mảng kỹ năng quan trọng mà hầu hết sinh viên ra trường vẫn còn thiếu.
Đây là nhận định của nhóm chuyên gia nghiên cứu của Úc và Việt Nam về “Nhu cầu về mặt kỹ năng đối với nguồn nhân lực ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam”. Đây là một hoạt động của hợp phần QUNIS (Nâng cao chất lượng tại các trường Đại học miền núi phía Bắc), trong chương trình Úc cùng Việt Nam Phát triển Nguồn nhân lực (Aus4Skills). Nhóm cán bộ nghiên cứu chính bao gồm PGS. Trần Thị Lý, Khoa Giáo Dục, Trường Đại Học Deakin và Nhà nghiên cứu tiềm năng (2017-2021), Ủy Ban Nghiên Cứu khoa học Úc; Tiến sỹ Ngô Thị Hằng Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các dân tộc Tây Bắc, Trường Đại Học Tây Bắc, Việt Nam; Tiến sỹ Nguyễn Thị Mai Hoa, Giảng Viên Chính, Khoa Giáo Dục, Trường Đại Học New South Wales, Úc. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn sâu 40 nhà tuyển dụng với đại diện là các giám đốc, trưởng phòng nhân sự, nhân viên phòng tuyển dụng, và các đại diện tuyển dụng của các tỉnh như giám đốc sở nội vụ và trưởng ban tổ chức tỉnh ủy, chủ tịch/phó chủ tịch các hiệp hội doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhà tuyển dụng đã đưa ra nhóm một số kỹ năng, kiến thức và phẩm chất cá nhân cần thiết trong việc đánh giá năng lực nghề nghiệp. Cụ thể, về kỹ năng nghề nghiệp, nhà tuyển dụng yêu cầu kỹ năng linh hoạt thích nghi và hòa nhập; kỹ năng tự học và không ngừng tìm tòi học hỏi; kỹ năng tương tác (kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, hợp tác, phản biện, tạo lập quan hệ); Giải quyết vấn đề; Công nghệ thông tin; Ngoại Ngữ; Sáng tạo/khởi nghiệp/tự tìm việc; Kỹ năng tự quản lý và tổ chức công việc; Kỹ năng phát triển nghề nghiệp. Về kiến thức, nhà tuyển dụng yêu cầu kiến thức chuyên môn, kiến thức thực tế, kiến thức liên văn hóa và kiến thức địa phương. Nhà tuyển dụng cũng yêu cầu ứng viên phải có đạo đức nghề nghiệp, đam mê cống hiến, khiếm tốn, thấu hiểu, cảm thông, gắn bó, trách nhiệm, tôn trọng... Sinh viên Việt đang thiếu gì?
Theo nhóm nghiên cứu, trong các kỹ năng nghề nghiệp thì kỹ năng tự học, linh hoạt hòa nhập và thích nghi với môi trường làm việc và yêu cầu của công việc được các nhà tuyển dụng nhấn mạnh. Nghiên cứu cũng chỉ ra một thách thức là dẫu các trường đại học đã đưa việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp vào chương trình giảng dạy, các nhà tuyển dụng vẫn thấy đây là mảng kỹ năng quan trọng mà hầu hết sinh viên ra trường vẫn còn thiếu. Điều này cho thấy tầm quan trọng giữa việc thiết lập hợp tác một cách có hệ thống và đồng bộ hơn nữa giữa các bên liên quan, đặc biệt là sinh viên/gia đình, nhà trường, nhà tuyển dụng và sử dụng lao động và cộng đồng, trong việc đổi mới chương trình giảng dạy và hỗ trợ sinh viên phát triển năng lực nghề nghiệp. Theo PGS Trần Thị Lý, một trong những phương pháp cần thiết giúp nâng cao năng lực nghề nghiệp cho sinh viên là việc hỗ trợ, hướng dẫn sinh viên lập kế hoạch cá nhân và phát triển hồ sơ năng lực nghề nghiệp (professional portfolio) ngay từ năm thứ nhất. Cần giúp các em thấy được mình cần hay mong muốn phát triển các kỹ năng nghề nghiệp gì, thông qua các hoạt động gì ở trường và ngoài xã hội và cần 'minh chứng' cho năng lực nghề nghiệp như thế nào. Hồ sơ năng lực nghề nghiệp này tùy thuộc chuyên ngành và định hướng của mỗi cá nhân, nhưng có thể bao gồm (và không hạn chế) những mảng kiến thức, kết quả học tập, kỹ năng, kinh nghiệm và phẩm chất cá nhân. Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị. Trong đó, có kiến nghị đổi mới chương trình đào tạo bằng cách lồng ghép việc phát triển năng lực nghề nghiệp vào chương trình hiệu quả và nhất quán hơn nữa. Đưa việc phát triển kỹ năng nghề nghiệp vào mục tiêu khóa học, nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy, các hoạt động dạy học học và phương pháp đánh giá kết quả học tập và tiêu chí đầu ra. Các trường ĐH cần hợp tác hoặc nhờ tư vấn từ các nhà tuyển dụng để thiết kế môn học Bổ sung các họa động học tập mang tính thực tế: lồng ghép các dự án thực tế hay các bài tập giải quyết các vấn đề thực tế và các hoạt động học tập giúp phát triển không chỉ kiến thức chuyên môn mà cả kỹ năng nghề nghiệp. Nâng cao hoạt động tương tác giữa các sinh viên, giữa sinh viên với cộng đồng; Hoạt động ngoại khóa...
Theo NGHIÊM HUÊ (TP)