Luân chuyển giáo viên: Làm sao cho ổn thỏa?
Dù kế hoạch công tác năm học 2018 - 2019 chưa được phê duyệt, nhưng với sự biến động về cơ số lớp từ việc triển khai đề án sáp nhập trường, các phòng GD&ÐT dự báo tình hình luân chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu năm nay sẽ căng thẳng hơn mọi năm...
Luân chuyển giáo viên là việc làm cần thiết và thường xuyên khi có sự mất cân đối về đội ngũ đứng lớp ở các cơ sở giáo dục. (Ảnh minh họa)
Ai cũng muốn “ở lại”
Đây là tâm lý của đa số giáo viên (GV) bởi qua thực tế công tác nhiều năm tại trường, các thầy cô đã quen trường, quen cách làm việc của ban giám hiệu và cả đặc thù của học sinh. Trò chuyện với phóng viên qua điện thoại, một GV (xin không nêu tên) tỏ ra bức xúc khi cho biết mình vừa mới được đưa vào danh sách GV sẽ phải luân chuyển trong năm học tới.
Cô giáo này cho biết: “Nhà trường đã tổ chức họp hội đồng GV, tất cả đã thống nhất sẽ bỏ phiếu bốc thăm, ai trúng phiếu “đi” thì phải luân chuyển. Không may tôi bốc trúng phiếu “đi”. Dù vậy, tôi tự xét thấy hoàn cảnh gia đình hiện tại của mình đang khó khăn hơn nhiều đồng nghiệp, bản thân tôi cũng có rất nhiều thành tích nên muốn xin được ở lại”.
Một số GV khác, dù trường chưa có danh sách luân chuyển chính thức, nhưng đã lo lắng tìm kiếm lý do để có thể được “ở lại”. Họ đặt ra vấn đề: GV muốn được biết rõ ai phải luân chuyển, theo những quy định nào và những trường hợp nào thì được miễn luân chuyển?
Yêu cầu từ thực tế, nhưng...
Luân chuyển GV là việc làm cần thiết và thường xuyên khi có sự mất cân đối về đội ngũ đứng lớp ở các cơ sở giáo dục và có sự tách nhập trường, thành lập trường mới. Tình trạng thừa thiếu GV cục bộ ở một số huyện diễn ra gần như hàng năm do sự tăng giảm số học sinh ảnh hưởng đến cơ số lớp.
Cho rằng, thực hiện tốt việc luân chuyển sẽ tạo ra công bằng trong thực thi nhiệm vụ, bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hoài Nhơn nhận xét: Không thể có chuyện một GV ở chỗ thừa chỉ cần dạy vài tiết/tuần, trong khi ở chỗ thiếu, đồng nghiệp của họ dạy hàng mấy chục tiết/tuần, mà cả hai đều được nhận lương, phụ cấp như nhau theo quy định.
Còn theo ông Lâm Lăng Long, Trưởng Phòng GD&ĐT TX An Nhơn, việc dạy quá nhiều tiết trong tuần sẽ làm giảm chất lượng, hiệu quả những giờ lên lớp của GV, và học sinh là đối tượng chịu thiệt thòi hơn cả. Đứng ở góc độ tâm lý, các thầy cô khi đã dạy ổn định ở trường nào, nhất là khi đã lập gia đình và sinh sống tại địa phương đó thì tâm lý thường không muốn luân chuyển. Vậy nên việc làm công tác tư tưởng là cần thiết.
Đến thời điểm hiện tại, các địa phương chưa ban hành văn bản cụ thể nào về việc luân chuyển GV từ nơi thừa sang nơi thiếu. Cách làm lâu nay của Sở GD&ĐT và hầu hết các phòng GD&ĐT là giao cho nhà trường họp, bàn, thống nhất, quyết định trong toàn thể GV và báo cáo lại. Tiêu chí chọn người luân chuyển có thể linh hoạt tùy từng địa phương, phổ biến nhất là căn cứ vào kết quả công tác của năm học trước và thành tích GV đạt được. Một số nơi như huyện Hoài Nhơn thì xem xét việc di chuyển thuận tiện từ nhà ở của thầy cô giáo tới ngôi trường mới.
Đảm bảo GV thoải mái tư tưởng, yên tâm công tác
“Về cơ bản, Phòng GD&ÐT huyện Tuy Phước giao việc chọn người luân chuyển cho nhà trường thống nhất, quyết định. Sau khi nhận được báo cáo của trường, lãnh đạo Phòng GD&ÐT sẽ gọi GV đó lên hỏi ý kiến và lắng nghe hết mọi tâm tư, nguyện vọng của thầy, cô. Nếu thống nhất được thì tiến hành thực hiện, còn không thì sẽ tiếp tục đưa ra những giải pháp khác. Nhưng trên hết, sẽ đảm bảo rằng, GV luân chuyển thoải mái, vui vẻ, yên tâm công tác và tiếp tục cống hiến ở môi trường dạy học mới!”
Ông VƯƠNG TỬ NGHỊ - Quyền Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước
NGỌC TÚ
Tôi thấy việc điều chuyển giáo viên tại Phù Mỹ có nhiều bất cập: + Có trường chỉ thiếu 01 chỉ tiêu nhưng chuyển đến 02 giáo viên và cho giáo viên tại tại trường đó chuyển đến trường thuận lợi. +Giáo viên thuộc diện chính sách chưa được quan tâm; + Giáo viên đã từng công tác vùng sâu, xa, vùng có ĐKKTXH ĐBKK trên 5 năm sau đó chuyển về vùng thuận lợi chưa bao lâu vẫn bị điều chuyển về vùng có ĐKKTXH ĐBKK; + Giáo viên ở lại trường vẫn có thể bố trí đảm bảo giờ dạy nhưng lãnh đạo một mực là chuyển.
Hiện nay một số huyện việc điều chuyển giáo viên mỗi nơi một khác làm cho tư tưởng giáo viên bất an mỗi dịp cuối năm học, do đó Sở Giáo dục cần có chủ trương chung là điều chuyển giáo viên: +Đối với nữ 2 năm, nam 3 năm thì về trường cũ và tiếp tục như vậy những giáo viên khác điều chuyển; + Cần quan tâm đến đối tượng chính sách; + GV đã từng công tác vùng sâu, xa, vùng có ĐKKTXHĐB KK trong thời gian 5 năm trở lên nếu đã chuyển về vùng thuận lợi thì không bị điều chuyển nữa.