Luật Xử lý vi phạm hành chính: Nhiều bất cập, băn khoăn
Qua 5 năm thực hiện, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập về xử phạt vi phạm hành chính lẫn áp dụng các biện pháp xử lý hành chính.
Phó Giám đốc Sở Tư pháp Trương Đình Hy đã nhấn mạnh như vậy tại tọa đàm “Thực tiễn thi hành một số quy định mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2012” trên địa bàn tỉnh thời gian qua, do Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) và Sở Tư pháp phối hợp tổ chức ngày 5.7.
Đại biểu góp ý tại tọa đàm “Thực tiễn thi hành một số quy định mới của Luật Xử lý VPHC năm 2012” trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Khó chứng minh hành vi vi phạm
Một trong những quy định mới đáng chú ý của Luật Xử lý VPHC là nguyên tắc “người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm chứng minh VPHC; cá nhân, tổ chức bị xử phạt có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không VPHC”.
Theo bà Trần Thị Túy, Phó trưởng phòng Quản lý xử lý VPHC và theo dõi tình hình thi hành pháp luật (Sở Tư pháp), đây là nguyên tắc mới của Luật Xử lý VPHC so với Pháp lệnh Xử lý VPHC, nhằm hạn chế sự lạm quyền của người có thẩm quyền xử phạt và đảm bảo việc xử phạt là khách quan, đúng sự thật. Nguyên tắc này bắt buộc trong mọi trường hợp xử phạt VPHC, người có thẩm quyền xử phạt phải có các bằng chứng chứng minh hành vi của cá nhân, tổ chức là VPHC, nếu không chứng minh được thì không ra quyết định xử phạt.
Tuy nhiên, trong thực tiễn ở một số lĩnh vực, việc áp dụng nguyên tắc này có sự hạn chế nhất định do người có thẩm quyền xử phạt không được trang bị đầy đủ các phương tiện kỹ thuật để chụp, ghi lại hình ảnh về hành vi VPHC của cá nhân, tổ chức. Chẳng hạn như việc chứng minh hành vi thải rác sinh hoạt trái quy định trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hoặc việc chứng minh hành vi bấm còi, rú ga liên tục, lạng lách… trong giao thông đường bộ. Chính vì vậy, trong một số trường hợp, hậu quả của hành vi VPHC đã được thể hiện nhưng do không chứng minh được quá trình thực hiện hành vi vi phạm nên không có đủ cơ sở để xử phạt.
Trong khi đó, về phía cá nhân, tổ chức bị xử phạt, “Luật cũng chưa quy định một cách rõ ràng cách thức để họ thực hiện quyền “chứng minh mình không VPHC”, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, đó là chứng minh với ai, bằng cách nào và khi nào thì chứng minh”, bà Túy nói.
Có phải trẻ em đã “ngoan” hơn?
Theo CA tỉnh, qua thực tế áp dụng các biện pháp xử lý hành chính theo Luật Xử lý VPHC từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn tỉnh số đối tượng thuộc diện áp dụng giảm rất nhiều. Cụ thể, từ ngày 1.1.2014 đến 15.6.2018, toàn tỉnh chỉ có 15 đối tượng được lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc và cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong số này, tòa án đã ra quyết định áp dụng đối với 13 người. Trong khi trước đó, với Pháp lệnh Xử lý VPHC thì số đối tượng lập hồ sơ hằng năm đều trên con số 100.
Trưởng phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ-TB&XH) Nguyễn Thị Thế Vy cho rằng, trình tự, thủ tục lập hồ sơ quản lý người nghiện hiện phải qua nhiều cơ quan như CA xã, CA huyện, phòng tư pháp, phòng LĐ-TB&XH, TAND cấp huyện nên mất rất nhiều thời gian. “Nếu thực hiện theo đúng quy trình, thời gian đưa ra được quyết định đưa người đi cai nghiện nhanh nhất là 1 tháng. Trong thời gian chờ có quyết định, người nghiện có hộ khẩu thường trú tại địa phương sẽ được gửi về gia đình quản lý, những người không rõ nơi cư trú phải đưa đến các cơ sở xã hội quản lý. Tuy nhiên, các địa phương chưa có nhà lưu giữ, không có cán bộ chuyên môn để xử lý cắt cơn nghiện nên việc quản lý, lưu giữ đối tượng rất khó”, bà Vy phân tích.
Qua khảo sát ở nhiều địa phương, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương chia sẻ băn khoăn khi số đối tượng đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc và cơ sở cai nghiện bắt buộc đã giảm sâu, nhưng vẫn còn đó tình trạng người vi phạm pháp luật hình sự và hành chính ngày càng trẻ hóa. “Phải chăng trẻ em ngày càng “ngoan” hơn? Hay là vì nhiều vướng mắc, trở ngại trong quá trình thực hiện? Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ vấn đề này trong quá trình tham mưu sửa đổi Luật Xử lý VPHC”, ông Cương nói.
MAI LÂM