Hưởng ứng Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn - 2013:
Bảo vệ môi trường từ nơi sinh sống của chúng ta
Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” (LCTGSH) lần đầu tiên được Australia khởi xướng vào năm 1993; sau đó được Chương trình Môi trường của Liên hiệp quốc phát động tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm trên phạm vi toàn cầu. Chủ đề của Chiến dịch LCTGSH năm 2013 là “Nơi sinh sống của chúng ta… Hành tinh của chúng ta… Trách nhiệm của chúng ta”.
Có thể nói, từ thế kỷ XIX đến nay, nền công nghiệp thế giới đã phát triển với tốc độ khá nhanh. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế, nhiều quốc gia chưa quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường (ÔNMT). Tại Việt Nam, trong tiến trình thực hiện “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, song cũng đang phải đối diện với nguy cơ ÔNMT. Tại các đô thị ở Việt Nam, hiện vẫn còn khoảng 822 ngàn hộ dân chưa được cung cấp nước sạch, 1,13 triệu hộ chưa được thu gom rác và chất thải rắn, 1,8 triệu hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Bên cạnh đó là nguy cơ ô nhiễm nguồn nước từ nước thải công nghiệp, làng nghề, nước thải sinh hoạt.
Đối với tỉnh Bình Định, theo thống kê, khối lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt đô thị phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay khoảng 307 tấn/ngày, nhưng hầu như chưa phân loại tại nguồn. Việc thu gom CTR tại địa bàn TP Quy Nhơn chỉ đạt khoảng 85%. Công tác thu gom CTR tại các huyện trong tỉnh hầu như mới chỉ thực hiện được tại các thị xã, thị trấn, một số xã xung quanh thị trấn, và chỉ đạt khoảng 15-30%. Công nghệ xử lý CTR ở tỉnh ta còn hạn chế, lạc hậu (chủ yếu vẫn là chôn lấp). Toàn tỉnh hiện có 9 bãi chôn lấp CTR nhưng chỉ có khu xử lý CTR Long Mỹ (TP Quy Nhơn) là có ô chôn lấp hợp vệ sinh; số còn lại hầu hết đều không có hình thức xử lý nước rỉ rác, diện tích khá nhỏ hẹp, không có tường bao quanh và về lâu dài không đáp ứng được yêu cầu xử lý CTR phát sinh.
Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” năm 2013 đặc biệt đề cao vai trò của cá nhân và cộng đồng trong việc thể hiện trách nhiệm của mình đối với vấn đề môi trường và góp phần vào những nỗ lực vì môi trường toàn cầu. Mỗi người đều có thể tham gia hưởng ứng chiến dịch bằng những việc làm thật đơn giản để BVMT từ chính nơi sinh sống của chúng ta, sau đó sẽ tác động, lan tỏa đến toàn cầu.
Để hưởng ứng chiến dịch, Bộ TN-MT đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, DN trong cả nước đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục cán bộ và người dân nâng cao nhận thức về BVMT; triển khai các chương trình, dự án về BVMT; tập trung, tái chế, xử lý chất thải, cải thiện môi trường; đẩy mạnh phát động và duy trì các phong trào BVMT tại cơ sở.
Tại Bình Định, từ đầu tháng 9.2013, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 3827/UBND-KTN “Về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch LCTGSH năm 2013”, chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương… tăng cường tuyên truyền Luật BVMT; phổ biến rộng rãi các quy định mới trong lĩnh vực quản lý môi trường; lên án những hành vi gây ÔNMT, vi phạm pháp luật BVMT. Tổ chức mittinh, tuyên truyền trực quan về chủ đề BVMT; vận động nhân dân tham gia chiến dịch bằng những hành động cụ thể, thiết thực, góp phần cải thiện chất lượng môi trường địa phương… Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn công tác BVMT đối với DN; tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc về ÔNMT của địa phương; kiên quyết xử lý kịp thời các cơ sở có nguy cơ gây ÔNMT.
VIẾT HIỀN