Bàn chuyện trẻ trước khi vào lớp 1
Trước tình trạng ồ ạt tổ chức dạy chữ cho trẻ trước khi vào lớp 1, nhiều năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc yêu cầu các địa phương chỉ đạo chấm dứt ngay tình trạng này. Tuy nhiên, hầu hết các bậc phụ huynh vẫn băn khoăn việc con không bắt kịp chương trình. Vì thế, phong trào đưa con đi luyện viết, luyện toán tiếp tục rộ lên ở các gia đình có con chuẩn bị vào tiểu học.
Tâm lý sợ con không theo kịp bạn
Ngay từ thời điểm bế giảng, tại các cổng trường mầm non đã ngập đội ngũ đi rải các tờ rơi giới thiệu các trung tâm luyện viết chữ đẹp, làm toán nhanh dành cho các bé chuẩn bị vào lớp 1. Còn tại nhiều trung tâm luyện chữ hay cơ sở mầm non ở Hà Nội, người ta thấy khá đông phụ huynh đưa con đến làm quen với kiến thức sơ đẳng trước khi bước vào lớp 1.
Chị Mai Hoa – Tam Trinh, Hà Nội chia sẻ: Cả nhà đều bảo con hàng xóm đi học mầm non mà đã đọc, viết, nếu con mình không biết gì thì gay. Nói thật tôi cũng có tham khảo ý kiến của nhiều phụ huynh và cả giáo viên thì được khuyên nên cho con học chữ sớm. Nguyên nhân là không học trước con dễ đuối hơn các bạn.
Cùng tâm trạng, chị Minh Tuyết–Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Từ nửa năm nay chị đã cho con tuần hai buổi đi luyện chữ bên nhà báo giáo hàng xóm. Sau đó bà giáo lại dạy con cách cộng trừ đơn giản trước,... Nhưng như chị Tuyết bảo, giờ cô giáo thường không có thời gian kèm cặp từng em như trước nên nhiều mẹ rỉ tai rằng hầu hết các cô giáo đã mặc định việc biết trước của học trò rồi. Theo bà giáo, vào hè mới cho các con đi học là quá muộn, cần phải tăng tốc ba buổi một tuần. Sau khoảng 3 tháng, các em có thể đọc thông viết thạo, vào năm học sẽ nắm vững chương trình.
Anh Mạnh Hung, Đầm Trầu, Hà Nội tâm sự: Gặp bạn bè, mọi người thường khoe thành tích các con, có cháu thì đã đọc lưu loát, có cháu thì tính nhẩm nhanh, con mình biết sơ sài quá thấy sốt ruột, phải cho con đi học luôn.
Theo tìm hiểu, rất nhiều phụ huynh đang cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1 đều có chung tâm lý lo lắng, sợ con mình không bằng “con nhà người ta”. Ðiều đáng nói là việc đưa con đi học thêm không hề xuất phát từ nhu cầu ham học của trẻ mà đều do cha mẹ rơi vào hội chứng tâm lý đám đông, vì thế việc cho trẻ học thêm trước thềm tiểu học không chỉ trở thành một phong trào mà đang biến thành cuộc đua.
Lợi bất cập hại
Dẫu biết rằng việc học là vô cùng quan trọng, thế nhưng việc cho trẻ đi học quá sớm liệu có đúng đắn? Đó là câu hỏi mà nhiều bậc phụ huynh vẫn lấn cấn trong lòng.
Lý giải nguyên nhân phụ huynh có tâm lý cho con đi học khá nhiều môn khi sắp bước vào cấp tiểu học, chuyên gia tâm lý Thạc sĩ Xã hội học Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia) phân tích: Có nhiều nguyên nhân đưa tới thực trạng đáng lo ngại nêu trên mà nguyên nhân trước tiên là “bệnh thành tích” của cả nhà trường và phụ huynh. Trong khi mục tiêu giáo dục cần hướng đến yếu tố cốt lõi, nền tảng là sự yêu thích, đam mê học tập của trẻ thì một số trường và phụ huynh chỉ tập trung vào thành tích.
Điều này dẫn đến nghịch lý, lẽ ra học sinh phải là đối tượng chính của giáo dục, thì lại không được như vậy. Tại các nước phát triển, nguyên tắc giáo dục áp dụng phổ biến là quan tâm tới cảm nhận của trẻ, làm cho trẻ thấy thoải mái tiếp cận việc học, từ đó yêu thích học tập.
Nhiều công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đã chứng minh rằng trẻ em dưới 6 tuổi chưa đủ khả năng để học chữ, học tính theo đúng ý nghĩa của môn học (không loại trừ một số trường hợp đặc biệt). Hơn nữa, cho dù có học chữ, học tính sớm theo một chương trình chặt chẽ thì cũng không mang lại lợi ích gì lắm cho sự phát triển trí tuệ, thậm chí nhiều khi còn có hại cho sự phát triển nhân cách nói chung. Cho trẻ đến lớp luyện viết chữ và tập đọc trước khi vào lớp 1, vô tình chúng ta đã “đánh cắp” tuổi thơ của con. Không những thế, bị ép học sớm có thể gây tổn hại tâm lý cho trẻ. Phụ huynh cho trẻ học trước là làm khó cho chính con mình, làm khó cho giáo viên.
Theo GS Lê Phương Nga (Trường đại học Sư phạm Hà Nội), học chữ là hoạt động chiếm lĩnh công cụ viết, gồm hai quá trình: giải mã ký tự sang âm thanh (học đọc) và giải mã từ âm thanh thành ký tự (học viết). Trẻ bốn đến năm tuổi còn nhỏ so với vận động của những ngón tay khi cầm bút và chưa đủ tư duy để nhận thức được hoạt động “chiếm lĩnh công cụ chữ viết”.
Khi học trước tuổi, trẻ buộc phải nỗ lực hơn những gì mình có cho nên dễ nảy sinh áp lực tâm lý không cần thiết. Chưa kể, nếu không tiếp thu được, trẻ dễ có tâm lý tự ti, mặc cảm và thu mình, ảnh hưởng đến việc học khi vào lớp 1. Hơn nữa, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ được học trước chỉ có thể phát huy khả năng ở giai đoạn đầu khi vào lớp 1, sau đó khả năng tiếp thu của các em giảm dần.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (Phó Hiệu trưởng, Trường Đại học Sư phạm TP HCM) nhận định: Chuẩn bị cho trẻ vào trường tiểu học không phải là việc làm thay cho giáo dục tiểu học. Từ đó, ông khẳng định không nên dạy trước những gì mà sau này trẻ sẽ được học ở trường tiểu học cũng như không nên yêu cầu trẻ phải như một học sinh thực thụ ngay khi còn ở tuổi mẫu giáo, bảo đảm cho trẻ được sống đúng lứa tuổi của chính mình. Phụ huynh không nên quá lo lắng trước việc trẻ có cần biết chữ trước khi vào lớp 1 hay không bởi trẻ sáu tuổi bình thường hoàn toàn đủ khả năng học chữ, học số...
Về vấn đề này, cô Nguyễn Thu Hảo – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) chia sẻ: Hiện nay tỷ lệ các em nhỏ học trước chương trình khá cao, điều này gây rất nhiều khó khăn cho giáo viên. Những học sinh đã được học trước thường không có hứng thú, chán nản và chủ quan. Còn những em chưa đi học thêm thì sẽ có tâm lý lo sợ. Vì thế sẽ tạo chênh lệch và áp lực lớn trong môi trường sư phạm. Chưa kể đến tình trạng trong lớp có nhiều trẻ biết trước, giáo viên sẽ dạy nhanh hơn khiến các em chưa biết gì bị điểm kém, dễ dẫn đến tình trạng mất tự tin, không hứng thú với việc học nữa.
Một số trường hợp khác cho thấy, không phải em nào đi học trước cũng đều giỏi. Có thể ban đầu các em sẽ thấy chương trình học rất dễ nên chủ quan nhưng càng về sau càng bị đuối, không theo kịp các bạn, bởi trước đó, trẻ đã có thói quen không tập trung nghe giảng. Quan trọng nhất là cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý, rèn luyện cho trẻ các kỹ năng cần thiết như: cầm bút đúng cách, tư thế ngồi đúng... Cùng với đó là giúp trẻ trang bị nhiều hơn về kỹ năng tự phục vụ bản thân, hòa nhập tập thể để sẵn sàng bước vào môi trường tiểu học.
Theo Lê Giang (daidoanket.vn)