Ðiều trị rối loạn nhịp tim: Những bước tiến mới
Rối loạn nhịp tim có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: suy tim, đột qụy, ngừng tim đột ngột... Gần đây, khoa Nội - Tim mạch (BVÐK tỉnh) đã xử trí được nhiều tình huống nguy hiểm, cứu chữa thành công cho nhiều bệnh nhân rối loạn nhịp tim nặng.
Cảnh giác với rối loạn nhịp tim
Ở người trưởng thành, nhịp đập của tim bình thường sẽ nằm trong khoảng từ 60 - 100 lần/phút lúc nghỉ ngơi. Nếu có một tác động nào đó khiến trái tim đập bất thường: quá nhanh (hơn 100 nhịp trên phút), quá chậm (dưới 60 nhịp trên phút) hoặc lúc nhanh, lúc chậm, hay bỏ nhịp, sẽ được gọi là rối loạn nhịp tim, đây là biểu hiện thường gặp nhất trong số các bệnh về tim mạch.
Siêu âm tim cho bệnh nhân sau khi đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn.
Có một vài rối loạn nhịp tim có các triệu chứng lâm sàng, nhưng một số khác có thể không có bất kỳ triệu chứng gì, nhưng lại làm tăng nguy cơ bệnh nhân bị đột qụy hay thuyên tắc mạch máu nguy hiểm đến tính mạng. Một số rối loạn nhịp tim nguy hiểm có thể dẫn đến ngừng tim, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu, thường gặp nhất khiến bệnh nhân tử vong khi đang trên đường đến bệnh viện.
Bác sĩ CKII Phan Nam Hùng, Phó trưởng khoa Nội - Tim mạch (BVĐK tỉnh), khuyến cáo: Những người tuổi càng cao thì nguy cơ bị rối loạn nhịp tim càng tăng. Bên cạnh đó, những người mắc các bệnh về huyết áp, đái tháo đường, tổn thương mạch vành, giãn cơ tim bẩm sinh cũng rất dễ bị rối loạn nhịp tim. Do đó, những người trên 40 tuổi nên thường xuyên kiểm tra tim mạch; người hay cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực, mạch không đều cũng nên được khám tầm soát để phát hiện và điều trị sớm. Một số trường hợp cần được đeo máy điện tim 24/24 giờ trên người để phát hiện bất thường về nhịp tim.
Ứng dụng nhiều tiến bộ mới
Mới đây, bà L.T.Đ. (93 tuổi, ở Hoài Phú, Hoài Nhơn) đến BVĐK tỉnh kiểm tra máy tạo nhịp tim và được đánh giá thiết bị hỗ trợ này hoạt động ổn định, tình trạng sức khỏe của bà được cải thiện so với thời gian trước đó. Năm 2015, bà Đ. được chẩn đoán rối loạn nhịp tim, được đặt máy tạo nhịp. Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng, dây điện cực gây nhiễm trùng. Bà Đ. ra một bệnh viện ở Thừa Thiên -Huế điều trị, nhưng ngại bà lớn tuổi, các bác sĩ ở đây từ chối can thiệp. Tại khoa Nội - Tim mạch BVĐK tỉnh, bà Đ. được rút dây điện cực cũ thành công, đồng thời, thay máy tạo nhịp mới, giúp tim hoạt động ổn định. Đây được coi là một trong những thành công rất đáng kể của các bác sĩ khoa Nội - Tim mạch BVĐK tỉnh.
Được thành lập từ đầu năm 2005, khoa Nội - Tim mạch BVĐK tỉnh hiện có 12 bác sĩ (với 1 tiến sĩ, 2 bác sĩ CKII, 4 thạc sĩ), 17 điều dưỡng và 3 hộ lý. Công suất sử dụng giường bệnh luôn quá tải, chứng tỏ số người mắc các bệnh lý về tim mạch khá cao. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học trong chẩn đoán và điều trị, một số kỹ thuật mới dần được áp dụng vào thực tế đem lại hiệu quả cao như: siêu âm tim, điện tim gắng sức, sốc điện chuyển nhịp…, đem lại niềm tin cho nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị.
Đặc biệt, từ năm 2010, khoa Nội - Tim mạch đã áp dụng thành công các lĩnh vực quan trọng: can thiệp tim mạch (chụp và đặt stent động mạch vành), đặt máy tạo nhịp tạm thời và vĩnh viễn; đặc biệt đặt máy tạo nhịp hai buồng tim và máy phá rung tim, rút dây điện cực cũ trong buồng tim; kích nhĩ vượt tần số qua đường tĩnh mạch và đường thực quản để cắt cơn nhịp nhanh; thăm dò chức năng nút xoang và nút nhĩ thất, lập trình máy tạo nhịp tim…, kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân; giảm số lượng bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên.
LÊ CƯỜNG