Chủ tịch Quốc hội: Vị trí Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang
“Vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam có sửa từ cũng không thay đổi bản chất. Đề nghị giữ đúng Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang”.
Xác định vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) là một trong những vấn đề lớn của dự luật CSBVN được Uỷ ban Quốc phòng – An ninh trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp 25 khai mạc vào sáng nay (11.7). Cơ bản các ý kiến đều cho rằng cần khẳng định đây là lực lượng vũ trang nhân dân, còn việc thuộc ai là do phân công nhiệm vụ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến đề nghị quy định CSBVN thuộc lực lượng vũ trang nhân dân; có ý kiến đề nghị không quy định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân; có ý kiến đề nghị quy định CSBVN trực thuộc Chính phủ...
Thường trực UBQPAN cho rằng, hiện nay, việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; tình hình an ninh, trật tự trên biển diễn biến khó lường; tình hình tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có tổ chức và tội phạm ma túy diễn biến phức tạp; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống gia tăng; môi trường hoạt động trên biển khó khăn, khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ CSBVN thường xuyên phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có thể hy sinh.
“Nếu quy định CSBVN là lực lượng dân sự thì khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, nhất là việc tham gia giải quyết các “tình huống quốc phòng, an ninh” trên biển như trong thời gian vừa qua” – ông Võ Trọng Việt nói.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực UBQPAN đề nghị UBTVQH cho thay từ “là” bằng từ “thuộc” và viết lại thành “Cảnh sát biển Việt Nam thuộc lực lượng vũ trang nhân dân” như dự thảo Luật dự kiến tiếp thu.
Không đồng tình với quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm, trước hết cần khẳng định CSBVN là lực lượng vũ trang nhân dân, còn thuộc ai thì tính thêm.
Phát biểu tại phiên họp, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn – Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết thêm, trên thế giới có lực lượng bảo vệ bờ biển và cụm từ “Coast Guard” được sử dụng nhiều với ý nghĩa là lực lượng vũ trang, bảo vệ biển đảo và thực thi pháp luật trên biển. Lực lượng này thuộc Bộ Tài Chính, Bộ Giao thông, trực thuộc Chính phủ hay Bộ Quốc phòng là tuỳ tình hình mỗi nước.
Pháp lệnh Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008 đã thể hiện “là lực lượng vũ trang” thì việc tiếp thu đưa vào luật cũng không có ảnh hưởng gì vì thực tế nhiều năm đã thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Có sửa từ cũng không thay đổi bản chất vị trí Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đồng tình với quan điểm này và nhấn mạnh lực lượng có nhiệm vụ chấp pháp trên biển, là lực lượng phải trực tiếp chiến đấu bảo vệ vùng biển đất nước khi bị tấn công; cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.
Cho rằng vị trí Cảnh sát biển Việt Nam xuất phát từ thực tiễn nước ta, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng những nhiệm vụ quy định trong dự thảo luật thì lâu nay lực lượng này vẫn thực hiện, do đó nên kế thừa pháp lệnh xác định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang nhân dân.
“Lực lượng này tương tự biên phòng thực hiện chấp pháp trên biên giới đất liền và biên phòng được gọi là lực lượng vũ trang. Từ khi thành lập Cảnh sát biển Việt Nam đến nay cũng chưa có khiếu nại hay tranh chấp gì về quá trình chấp pháp của lực lượng này, chưa kể thông lệ quốc tế vẫn cho đó là lực lượng vũ trang. Ta không nên thay đổi vị trí của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam” – ông Uông Chu Lưu nêu ý kiến.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, “vị trí của Cảnh sát biển Việt Nam từ pháp lệnh là lực lượng vũ trang thì có sửa từ cũng không thay đổi bản chất. Đề nghị giữ đúng tính chất Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang”./.
Theo Ngọc Thành (VOV.VN)