Luật Tiếp cận thông tin: Bảo vệ quyền được thông tin của công dân
Từ ngày 1.7.2018, Luật Tiếp cận thông tin chính thức có hiệu lực thi hành. Luật được kỳ vọng sẽ giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân, đồng thời làm tiền đề cho việc thực hiện các quyền tự do dân chủ khác của con người, của công dân như đã nêu trong các công ước quốc tế và Hiến pháp Việt Nam.
Luật Tiếp cận thông tin (TCTT) được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 6.4.2016 tại kỳ họp thứ 11. Luật có 5 chương, 37 điều.
Người dân yêu cầu cung cấp thông tin về đất đai ở UBND xã Cát Khánh, huyện Phù Cát.
Đáp ứng nhu cầu thực tế
Trên thực tế, nhu cầu TCTT của người dân ngày một tăng, trong khi một số cơ quan, đơn vị có xu hướng muốn thu hẹp diện công bố thông tin với nhiều lý do khác nhau, kể cả vì bảo mật, bảo vệ bí mật nhà nước... Vì vậy, việc luật hóa trình tự, thủ tục và cách thức TCTT sẽ giúp người dân được bảo vệ quyền lợi chính đáng, ngược lại bảo đảm cơ quan công quyền không thể né tránh trách nhiệm cung cấp thông tin theo luật.
Đáng chú ý, tại điều 17 của Luật TCTT quy định cụ thể 46 loại thông tin bắt buộc các cơ quan Nhà nước từ cấp phường, xã trở lên phải công khai rộng rãi. Theo đó, có những thông tin rất quan trọng về mua sắm tài sản công, dự án đầu tư công, dự toán và thực hiện ngân sách nhà nước, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Với những thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, người dân biết được ngay nhà, đất của mình có nằm trong diện quy hoạch hay không, về giá đất, kế hoạch thu hồi đất, phương án bồi thường, tái định cư…
Giới thiệu những nội dung đáng chú ý của Luật TCTT tại Ngày hội Pháp luật tổ chức tại huyện Tuy Phước mới đây, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp) Hồ Mỹ Ngọc Chân nhấn mạnh đến hình thức TCTT được quy định tại Điều 10 của Luật. Theo đó, công dân được TCTT bằng hai cách: tự do với thông tin được công khai, hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp. Với thông tin đơn giản, có sẵn có thể cung cấp ngay thì người yêu cầu cung cấp thông tin được trực tiếp đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc yêu cầu cung cấp ngay bản sao, bản chụp tài liệu.
Với những thông tin phức tạp, không có sẵn mà cần tập hợp từ nhiều nguồn thì chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu hợp lệ, cơ quan được yêu cầu phải thông báo cho người đến trụ sở để đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép, chụp tài liệu hoặc nhận bản sao...
Phải tròn trách nhiệm
Quy định cụ thể các thông tin được công khai, song Luật TCTT cũng giới hạn các thông tin công dân không được tiếp cận và được tiếp cận có điều kiện. Tại hội nghị giao ban công tác Tuyên giáo 6 tháng đầu năm 2018 được tổ chức ngày 9.7, đã có nhiều ý kiến than phiền về việc một số thông tin rất khó tiếp cận dưới dạng văn bản “mật”. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã giải thích và yêu cầu cán bộ cơ sở phải tìm đọc và nắm chắc quy định về lĩnh vực và văn bản cụ thể được đóng dấu “mật” và “tuyệt mật”.
Theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Huỳnh Huyện, điều quan trọng là Luật TCTT đã trao cho người đứng đầu cơ quan nhà nước, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, được quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng mà không cần có sự đồng ý của cá nhân, tập thể liên quan.
Có thể thấy rằng, làm tròn trách nhiệm cung cấp thông tin theo Luật TCTT là việc nặng nề đối với các cơ quan Nhà nước, nhất là trong hoàn cảnh điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực hiện tại còn nhiều hạn chế. Theo luật sư Lê Hoài Sơn (Văn phòng Luật sư Trung Sơn, Đoàn Luật sư tỉnh), các cơ quan Nhà nước cần có lộ trình cụ thể để thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin cho công dân. Theo đó, phải tính toán phương án phù hợp với từng loại thông tin, đặc biệt là với các thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện.
Với nhiều yêu cầu mới và nghiêm ngặt, việc đáp ứng quyền được cung cấp thông tin của người dân trong thời gian đầu sẽ không tránh khỏi lúng túng, nhất là ở cấp xã. Tuy nhiên, đó là việc làm cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Chính phủ đang theo đuổi hình mẫu kiến tạo, liêm chính. Hoàn thành tốt nhiệm vụ này không chỉ giúp người dân có thêm niềm tin và sự ủng hộ vào cơ quan công quyền mà còn góp phần làm cho hoạt động quản lý Nhà nước ngày càng công khai, minh bạch, giảm nguy cơ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài.
MAI LÂM