Nâng cao năng lực giảng dạy của giáo viên tiếng Anh: Ðáp ứng yêu cầu giảng dạy mới
Từ năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh sẽ triển khai dạy đại trà chương trình tiếng Anh 10 năm. Nhằm giúp giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình này, Sở GD&ÐT tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy cho các thầy cô giáo.
Các giáo viên tiếng Anh THPT dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm do Sở GD&ĐT phối hợp Trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Huế tổ chức.
Vì sao phải dự các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy tiếng Anh? Ông Trần Văn Cơ, Trưởng Phòng giáo dục trung học (Sở GD&ĐT), phân tích: “Từ trước đến nay, Sở chỉ mới tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên một nội dung - là phương pháp giảng dạy tiếng Anh. Vậy nên, giáo viên tiếng Anh các cấp phải học tiếp 3 nội dung còn lại, gồm: kiểm tra đánh giá, nghiên cứu hành động và các hoạt động đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ngoại ngữ”.
TS Nguyễn Tình - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Huế, đơn vị phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên tiếng Anh cấp THPT) giải thích: Khóa bồi dưỡng sẽ giúp các thầy cô nắm rõ chương trình 10 năm, để trên cơ sở đó biết cách lựa chọn tài liệu học tập phù hợp cũng như cập nhật những phương pháp giảng dạy tiên tiến nhất, có hiệu quả nhất. Đồng thời, các khóa bồi dưỡng cung cấp cho giáo viên các kỹ năng, cách thức tổ chức các đợt kiểm tra, đánh giá mang tính quá trình, đảm bảo đáp ứng chuẩn đầu ra của hoc sinh phổ thông - tức là bậc 3/6 hay B1. Khóa bồi dưỡng cũng giới thiệu cho giáo viên những cách trình bày bài giảng hay quản lý lớp bằng ngôn từ chuẩn, ngắn gọn, phù hợp lứa tuổi học sinh, tạo ra được sự tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình giảng dạy cũng như quản lý lớp.
Chiều 9.7, tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, Sở GD&ĐT phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Huế khai giảng khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho 90 giáo viên tiếng Anh cấp THPT. Cô Phương Thị Đào, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Trưng Vương (Quy Nhơn), chia sẻ: “Vì chưa từng dạy chương trình này nên tôi rất muốn tiếp cận nội dung, phương pháp mới để đáp ứng yêu cầu giảng dạy chương trình này. Nghe các đồng nghiệp nói rằng nội dung trong tiết dạy của chương trình mới nhiều hơn, dài hơn, đặc biệt lượng từ vựng nhiều và khó hơn, tôi thực sự cần được hướng dẫn cách tổ chức các hoạt động linh hoạt để kịp thời gian truyền tải hết nội dung bài dạy”.
Từng giảng dạy chương trình 10 năm thí điểm tại Trường THPT số 1 Tuy Phước, cô giáo Nguyễn Bùi Thùy Linh vẫn đánh giá rất cao việc tổ chức lớp bồi dưỡng này. Cô cho biết: “Đường hướng về lý thuyết thì có nhiều rồi nhưng khi áp dụng vào thực tế, các giáo viên sẽ phải làm gì, gặp những khó khăn gì, cách tháo gỡ ra sao, đây là điều giáo viên rất cần biết qua khóa bồi dưỡng”.
Theo Sở GD&ĐT, trong năm 2017, 150 giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học đã được bồi dưỡng xong. Khóa bồi dưỡng 90 giáo viên THPT vừa khai giảng (dự kiến tổng kết và trao giấy chứng nhận vào cuối tháng 10.2018) được thực hiện từ nguồn kinh phí của Đề án ngoại ngữ 2020. Thời gian tới, Sở sẽ xin UBND tỉnh cấp kinh phí để phối hợp với Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng mở lớp bồi dưỡng cho 339 giáo viên tiếng Anh, trong đó có 215 giáo viên cấp THPT và 124 giáo viên cấp THCS.
Ông Trần Văn Cơ bày tỏ: “Chúng tôi mong các thầy cô nghiêm túc, nhiệt tình vào cuộc - không chỉ trong quá trình học bồi dưỡng mà còn phải thường xuyên nghiên cứu, trau dồi, cập nhật kiến thức, phương pháp giảng dạy - để không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh của tỉnh trong những năm học tới”.
NGỌC TÚ