Bám sát cơ sở: Yêu cầu cấp bách của công tác dân vận
Cơ sở là cấp cuối trong hệ thống 4 cấp từ trung ương đến cơ sở, có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối giữa hệ thống chính trị cấp trên với quần chúng nhân dân. Ðể chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, đòi hỏi hệ thống chính trị ở cơ sở phải bám sát thực tế, làm tốt công tác dân vận, kịp thời giải quyết những vấn đề đặt ra ở cơ sở.
Trước hết, đối với các tổ chức cơ sở đảng, với tư cách là lực lượng lãnh đạo hệ thống chính trị và các mặt của đời sống xã hội ở cơ sở, cần nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận (CTDV); những nội dung, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ mình, để từ đó lãnh đạo nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Như vậy, yêu cầu đặt ra là các tổ chức cơ sở đảng phải luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo đối với CTDV, bám sát cơ sở, bám sát thực tế, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đời sống nhân dân. Chỉ như thế, mới có thể kịp thời giải quyết những vấn đề nảy sinh trong đời sống của quần chúng ở cơ sở.
Thứ hai, cần không ngừng tăng cường CTDV của chính quyền ở cơ sở. Có thể thấy rằng, những nơi nào chính quyền làm tốt CTDV thì những nơi đó ít xảy ra những vụ việc khiếu kiện, khiếu nại, tụ tập đông người. Hiện nay, hầu hết các mối quan hệ của nhân dân đối với hệ thống chính trị ở cơ sở chủ yếu thông qua chính quyền cơ sở, từ chính quyền cơ sở. Do đó, chính quyền làm CTDV là tất yếu. Từ đó cho thấy việc chính quyền thực hiện tốt chức trách thông qua thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Bên cạnh đó, chính quyền ở cơ sở cần tổ chức tốt việc tiếp dân, đối thoại với dân và giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong đời sống của nhân dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân thì chắc chắn rằng sẽ góp phần quan trọng thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, giữ vững ổn định trật tự trị an ở cơ sở.
Thứ ba, đối với MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở, cần tiếp tục đẩy mạnh, đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt Quy chế giám sát và phản biện xã hội, Quy định tham gia ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền. Đây là những quyết định đề cập đến nội dung, đối tượng, phương thức giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý kiến của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với Đảng và Nhà nước. Do đó MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần bám sát cơ sở, bám sát thực tế cuộc sống của người dân, qua đó phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.
Bên cạnh đó, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cần chú ý đến vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Hướng về cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, để trực tiếp giúp đỡ và tuyên truyền vận động nhân dân phát triển kinh tế, tích cực đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch góp phần giữ gìn ANTT, an toàn xã hội ở địa phương, đơn vị.
Thực tế cho thấy, cơ sở là nơi phản ánh một cách đúng đắn và đầy đủ quá trình tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, quản lý của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, cũng như tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Bám sát thực tiễn, bám sát cơ sở là yêu cầu cấp bách trong CTDV hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Nguyễn Tùng Lâm