Vụ trao nhầm con ở Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội: Sơ suất gây oan nghiệt!
Sự việc trao nhầm 2 đứa trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội dù là sơ suất không ai mong muốn nhưng đang gây ra những hệ lụy rất lớn.
Cho tới thời điểm này, 2 gia đình bị bệnh viện trao nhầm con đều đã biết được chính xác con đẻ của mình nhưng vẫn chưa thể đưa các đứa trẻ về với đúng gia đình vì phải chia tay đứa con mình đã nuôi nấng, chăm sóc suốt 6 năm nay là điều không hề dễ dàng.
BV Ba Vì nơi để xảy vụ bác sĩ của bệnh viện trao nhầm 2 đứa trẻ sơ sinh cho gia đình
Mong sự thông cảm và chia sẻ
Ngày 12.7, liên quan tới vụ việc trao nhầm 2 đứa trẻ sơ sinh xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (BV Ba Vì), Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, việc trao nhầm trẻ sơ sinh là hy hữu, thường là do nữ hộ sinh. Trước đây, sau khi sinh, các bệnh viện thường đánh số bằng mực, nitrat bạc lên tay hoặc chân trẻ. Nhưng do công nghệ còn thô sơ, mực rất nhòe nên chỉ vì một vài bất cẩn nhỏ rất có thể xảy ra nhầm lẫn trong quá trình trao bé cho mẹ. Một số bệnh viện cũng đeo dây cho mẹ và bé. Tuy nhiên vì một số lý do, dây đeo của bé bị tuột dẫn đến nhầm lẫn.
“Đây là sai sót của nữ hộ sinh. Tuy nhiên, bản thân nữ hộ sinh cũng chẳng muốn xảy ra sự nhầm lẫn như vậy” - Thứ trưởng Tiến chia sẻ.
Về việc bồi thường tổn thất do việc trao nhầm con, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, với một số trường hợp đã trao nhầm trước đây thì không có bồi thường. Theo đó, sau khi xác định được cha mẹ ruột thì bệnh viện tổ chức cho hai bên nhận lại người thân. Bệnh viện cũng xin lỗi và mong gia đình thông cảm vì không ai mong muốn việc trao nhầm xảy ra. Tất nhiên, cả hai gia đình cũng đau xót, cũng sốc nhưng mong họ cảm thông với bệnh viện.
Về phía BV Ba Vì, ông Nguyễn Quốc Hùng, giám đốc bệnh viện, cho biết, sự việc nhầm lẫn này xảy ra từ năm 2012. Sau khi xác minh, bệnh viện đã xin lỗi gia đình anh Phùng Giang Sơn (ở xã Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) và gia đình chị Vũ Thị Hương (ở xã Phú Sơn, Ba Vì) và nhận trách nhiệm để xảy ra sai sót. Đồng thời, bệnh viện cũng đã chi trả toàn bộ chi phí đi lại, xét nghiệm ADN... để tìm ra con đẻ cho hai gia đình. Theo ông Hùng, đây là sự việc không ai mong muốn. Bệnh viện rất mong muốn sớm giải quyết vụ việc để hai gia đình được nhận lại con đẻ của mình. Bệnh viện đã quyết định xử lý kỷ luật các nữ hộ sinh liên quan, không cho tham gia làm công tác chuyên môn. Bản thân những cán bộ y tế làm sai cũng đã gặp trực tiếp hai gia đình xin lỗi.
Về việc gia đình anh Phùng Giang Sơn có đơn gửi Bộ Y tế phản ánh về việc BV Ba Vì thiếu trách nhiệm, đã cam kết sớm giải quyết cho hai gia đình nhận lại con đẻ của mình nhưng đến nay sau hơn 3 tháng vẫn chưa có tiến triển gì, ông Nguyễn Ngọc Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Ba Vì cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong việc trao trả con là do phía gia đình chị Vũ Thị Hương chưa đồng ý.
Theo ông Vinh, chị Hương nói rằng gia đình chị chưa sẵn sàng tâm lý. Trong thời gian vừa qua, hai gia đình bị trao nhầm con cũng đã dành thời gian để các cháu có cơ hội tiếp xúc với gia đình mới của mình. Gia đình anh Sơn và chị Hương đã nhiều lần gặp gỡ nhưng chưa tìm được tiếng nói chung.
Cú sốc khó vượt qua
Trong khi đó, qua tìm hiểu, người thân của chị Vũ Thị Hương đang nuôi cháu Đoàn Nhật M. (là con đẻ của gia đình anh Sơn) nhưng cháu M. càng lớn càng không giống ai trong gia đình. Chồng chị Hương đã nghi ngờ vợ mình không chung thủy, cùng với đó là những lời bàn tán xung quanh đã khiến cho vợ chồng chị lục đục, mất niềm tin ở nhau. Nghiêm trọng hơn khi chị Hương sinh cháu thứ hai vào năm 2014, càng lớn càng giống cha, còn M. chẳng giống điểm nào.
Sự trớ trêu trên khiến chồng chị Hương ngày càng sinh nghi ngờ. Không chịu nổi những lời dị nghị, gia đình chị Hương đã chuyển xuống Hà Nội để mưu sinh. Chồng chị làm tài xế, còn chị mở một trường tư thục để kiếm sống. Tuy nhiên, khi thấy cháu M. càng lớn càng không giống mình, chồng chị Hương tiếp tục không tin vào vợ mình. Thậm chí, nhiều lần anh đến tận trường tư thục nơi chị công tác để đập phá đồ đạc khiến chị Hương phải nghỉ việc. Cuối cùng, vì không chịu nổi sự ghen tuông của chồng, chị Hương đã nộp đơn ra tòa ly dị và hai vợ chồng đã chia tay nhau. Vì kinh tế sau ly hôn khó khăn, chị Hương phải gửi đứa con trai thứ hai của mình lại cho người thân chăm nuôi để cùng cháu M. tiếp tục cuộc sống tại Hà Nội.
Người thân chị Hương cũng cho biết, vào tháng 3 vừa qua, chị Hương rất sốc khi nhận được thông tin BV Ba Vì trao nhầm con và luôn hy vọng đó không phải sự thật. Tuy nhiên, sau khi nhận kết quả xét nghiệm, cả gia đình chị Hương rất ngỡ ngàng khi biết cháu M. đúng là con của một gia đình khác.
Cũng lâm vào cảnh rất đau khổ, gia đình anh Phùng Giang Sơn và chị Phùng Thị Thu Hiền bao phen lao đao, đau khổ khi cháu Phùng Thanh H. càng lớn càng không giống ai trong gia đình. Những lời dị nghị, đồn ra đoán vào khiến vợ chồng anh Sơn chị Hiền không khỏi suy nghĩ và rất đau lòng. Đặc biệt nhiều tháng nay khi biết con mình bị các hộ sinh BV Ba Vì trao nhầm, gia đình anh đã bỏ hết công việc để đi tìm đứa con thất lạc 6 năm trước.
“Lúc mới biết chuyện, tôi không biết làm cách nào để có thể thông báo sự thật cho gia đình. Đứa con mình nuôi 6 năm giờ phải trao cho người khác, đau lòng lắm. Mặc dù đã được hai bên nội ngoại chia sẻ, động viên nhưng vợ tôi vẫn không hết sốc suốt nhiều tháng trời...” - anh Sơn chia sẻ.
Anh Sơn cũng cho biết đã có đơn gửi Tòa án nhân dân huyện Ba Vì đề nghị khởi kiện BV Ba Vì trao nhầm con của anh.
Theo SGGP
Cha mẹ nên biết quy trình ở bệnh viện để không bị trao nhầm con
Bộ Y tế chưa có quy định cụ thể khi trao-nhận con, mỗi bệnh viện (BV) tự xây dựng quy trình riêng.
Câu chuyện trao nhầm con cách đây 6 năm tại BV Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội khiến không ít gia đình chuẩn bị sinh con lo lắng. Vậy quy trình "chuẩn" tại các BV phụ sản hiện nay ra sao?
Tại BV Phụ sản Hà Nội, trẻ và mẹ được đeo thẻ nhựa mica.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế thừa nhận đến nay Bộ vẫn chưa có quy trình chuẩn, thay vào đó mỗi BV tự xây dựng một quy trình riêng.
Tại BV Phụ sản T.Ư, PGS.TS Vũ Bá Quyết cho biết, để tránh nhầm lẫn, nhiều năm nay, BV sử dụng dây bấm cố định bằng nhựa mềm cho cả mẹ và con, quy định bé gái màu hồng, bé trai màu xanh, con đeo vào chân, mẹ đeo vào tay. Trên mỗi dây bấm điền đủ 3 thông tin gồm: Mã số, tên mẹ, tên con.
Đồng thời trước khi ra viện, cha mẹ phải xuất trình giấy chứng nhận ra viện, bảo vệ kiểm tra kỹ các thông tin mới được bế con về nhà.
Tại BV Bạch Mai, PGS.TS Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Phụ sản cho biết, hơn 10 năm về trước, BV vẫn áp dụng cách đeo mã số vào cổ rồi viết cả tên mẹ, tên con vào đùi nhưng sau thấy có một số trường hợp bị rơi số, mờ chữ khi tắm rửa nhưng đã phát hiện kịp thời nên 4-5 năm nay, BV đã áp dụng quy trình mới.
Tương tự như BV Phụ sản T.Ư, BV Bạch Mai áp dụng dây nhựa mềm nút cố định trên điền đầy đủ mã số 2 mẹ con, họ tên mẹ, họ tên con.
“Để chắc chắn, chúng tôi cho con đeo 2 dây vào chân, mẹ đeo vào tay. Dây này có bấm nút chết nên phải dùng kéo cắt mới lấy ra được. Vì dùng mực viết chuyên dụng nên có tắm rửa cũng không lo bị mờ nên các gia đình hoàn toàn yên tâm”, PGS Nha chia sẻ.
Theo PGS Nha, rất nhiều nước trên thế giới đã có cách quản lý mẹ-con sau sinh hiện đại hơn là cấp cho mỗi bé mới sinh một mã ID, chỉ cần quẹt là ra thông tin mẹ, cha, thậm chí còn theo dõi được bé đó đang di chuyển đến vị trí nào. Tuy nhiên, hệ thống này khá đắt, hơn 1 tỷ đồng.
“Hiện mỗi BV có quy trình kiểm soát riêng để không nhầm lẫn mẹ-con, tuy nhiên do chưa có quy trình chuẩn nên vẫn có nhiều BV không đủ điều kiện áp dụng các loại dây đặc biệt, vẫn rơi, vẫn tuột mã số, dễ nhầm lẫn”, GPS Nha nói.
Là một trong những BV phụ sản lớn nhất miền Bắc, mỗi năm BV phụ sản Hà Nội đỡ đẻ gần 40.000 trường hợp nhưng suốt hơn 20 năm qua, chưa để xảy ra trường hợp nhầm lẫn mẹ-con nào.
Bà Trương Thị Mỹ Hà, Điều dưỡng trưởng BV cho biết, bé mới sinh sẽ được đeo số theo thứ tự, ép bằng nhựa mica nên không lo nhoè hay mờ số. Trong đó mẹ được đeo vào tay, con đeo vào cổ.
Những số này được đeo theo cặp ngay tại bàn đẻ, bàn đón mổ. Người đeo số cho 2 mẹ con cũng là người trực tiếp ghi hồ sơ bệnh án để tránh nhầm lẫn.
Khi bàn giao trẻ tại giường bệnh, nhân viên y tế chỉ bàn giao con cho bà mẹ, không giao cho bất kỳ ai sau khi đã đối chiếu số mẹ, số con trùng khớp và kiểm tra thêm giới tính của trẻ.
Theo Vietnamnet