Huyết áp thấp- nguyên nhân và cách phòng bệnh
Theo khuyến cáo từ các bác sĩ, bất kỳ sự tăng hay giảm huyết áp so với mức bình thường đều là những dấu hiệu nguy hiểm.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm - Khoa Nội tim mạch, BVĐK tỉnh cho biết: “Huyết áp thấp có triệu chứng lâm sàng từ nhẹ đến nặng như sau: Khó tập trung và dễ nổi cáu; hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, xây xẩm, thoáng ngất, nằm xuống một chút thấy đỡ, mệt mỏi, muốn nghỉ ngơi; thở dốc, nhất là khi đi lên cầu thang, làm việc nặng; ngất, mất ý thức, ngừng thở; trụy mạch: đột ngột lơ mơ, mạch nhanh nhỏ. Huyết áp thấp tiên phát: do cơ địa, do di truyền; thường xuyên bị huyết áp thấp nhưng không có trở ngại gì trong sinh hoạt; không cần điều trị gì ngoại trừ khi bị ngất. Huyết áp thấp thứ phát: cơ thể suy mòn do suy kiệt vì lao, ung thư, tiểu đường, xơ gan; nhiễm trùng, nhiễm độc kéo dài; thiếu máu mạn tính; suy tim, suy tuyến giáp; do bệnh rỗng tủy sống”.
Xác định người bị huyết áp thấp khi đo huyết áp có trị số HA tâm thu dưới 90mmHg và HA tâm trương dưới 60mmHg hoặc giảm hơn 20mmHg so với trị số HA bình thường trước đó.
Về nguyên nhân gây bệnh, có thể có rất nhiều: Do suy giảm hoạt động của tuyến giáp: Khi cơ thể bị thiếu hụt hàm lượng hormon của tuyến giáp sẽ dẫn tới nguy cơ mắc chứng huyết áp thấp kèm theo các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, rụng tóc. Do suy giảm glucose: Nếu hàm lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức 2.5mmol/l, bạn có thể sẽ phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi, run rẩy và vã mồ hôi. Nguyên nhân gây chứng huyết áp thấp còn có thể do các yếu tố như: cuộc sống căng thẳng, môi trường ô nhiễm, lạm dụng độc chất, cơ thể gặp lạnh, mưa… huyết áp thấp thường gặp ở những người quá lao lực, thể trạng yếu, suy dinh dưỡng, phụ nữ. Đặc biệt, huyết áp thấp dễ xảy ra ở người béo phì, tiểu đường.
Hiện nay chưa có loại thuốc điều trị hiệu quả nào cho người bị huyết áp thấp nguyên phát (không có bị các bệnh như trên). Tuy vậy, các bác sĩ thấy rằng, một số thực phẩm, đồ uống tốt cho người bị huyết áp thấp như: cafe, nước chè đặc, nước nho ép…
Bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm tư vấn: Để ổn định huyết áp, bệnh nhân cần tập thể dục thường xuyên như: đi bộ, đi bơi lội, tập thể dục nhịp điệu, cầu lông… đều thích hợp; chế độ ăn uống: ăn đủ bữa, đặc biệt buổi sáng, nước trái cây ép (nên có chút muối) để máu huyết dễ lưu thông, ăn mặn hơn người bình thường khoảng 10-15g muối/ngày. Những người bị bệnh huyết áp thấp khi mới ngủ dậy nên nằm thêm một lúc, làm vài động tác khởi động đơn giản, thở sâu trong vòng vài phút, sau đó ngồi dậy thật chậm rồi mới đứng thẳng. Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu thấp để tăng lượng máu lên não. Không nên trèo cao, ra nắng gắt hoặc để bị lạnh đột ngột, nhất là lúc đêm khuya; luyện tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khỏe và độ tuổi hàng ngày giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể.
MINH PHƯỢNG
(Trung tâm TT-GDSK tỉnh)