Giảm bớt nỗi lo cho người bệnh, nhưng…
Bắt đầu từ ngày 15.7, Thông tư 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc chính thức có hiệu lực. Nhìn chung, thông tư này sẽ giúp người bệnh giảm bớt chi phí đồng chi trả, nhưng phía các cơ sở y tế không khỏi có một số băn khoăn…
Thông tư 15 sẽ giúp nhiều bệnh nhân giảm bớt chi phí điều trị nội trú.
- Trong ảnh: Chăm sóc bệnh nhân tại khoa Hồi sức Nội, BVĐK tỉnh.
Thông tư số 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế (gọi tắt là Thông tư 15) quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc ra đời, nhằm thay thế Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29.10.2015 (Thông tư 37). Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này được cho là sẽ góp phần tăng khả năng cân đối quỹ BHYT đến năm 2020, trong điều kiện chưa điều chỉnh mức đóng BHYT.
Giảm giá 70 dịch vụ y tế
Thông tư 15 điều chỉnh 88 giá dịch vụ y tế, trong đó đáng chú ý là giảm giá 70 dịch vụ, gồm: 6 giá khám bệnh của 5 hạng bệnh viện và trạm y tế xã (bình quân giảm 17% so với Thông tư 37); 34 giá ngày giường bệnh của 5 hạng bệnh viện và các loại giường (bình quân giảm 6%) và 30 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm (bình quân giảm 24%).
Cùng với đó, Thông tư 15 điều chỉnh tăng giá 9 dịch vụ và bổ sung thêm 9 dịch vụ kỹ thuật mới sẽ được BHXH thanh toán. Về cơ bản, giá dịch vụ giảm nên số tiền chi trả của người bệnh giảm, ngay cả việc điều chỉnh cũng làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.
Ông Lê Văn Mạnh, Phó Giám đốc TTYT huyện Hoài Ân, cho biết: Thông tư 15 ra đời có những hướng dẫn cụ thể hơn về thanh toán giữa các cơ sở y tế và cơ quan BHYT. Sau khi đã tính cơ cấu giá dịch vụ, mức giá lần này đem đến lợi ích cho bệnh nhân lớn hơn so với trước. Đơn cử như trước đây, một số bệnh nhân khi đến khám được chỉ định nhập viện điều trị, thường e ngại giá giường bệnh cao cùng những chi phí phát sinh khác nên không ít người cân nhắc và rồi đành điều trị ngoại trú. Nay, nắm bắt được điều đó, chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu được quyền lợi của mình, để họ yên tâm điều trị nội trú.
Bác sĩ CKII Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Việc giảm giá một số dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh có những điểm tích cực, trong khi quỹ BHYT có những hạn chế nhất định, chúng ta phải sử dụng quỹ hết sức tiết kiệm. Trong đó, giảm giá khám bệnh và giường bệnh sẽ giảm bớt “sức nặng” cho quỹ BHYT và giảm chi phí đồng chi trả của người bệnh”.
Bệnh viện: Phải nỗ lực hơn!
Thông tư 15 còn quy định số lượt khám bệnh trên mỗi bàn khám ở cơ sở y tế. Theo đó, mỗi bàn khám được quy định khám 65 bệnh nhân/ngày. Nếu các cơ sở y tế khám vượt quá con số này thì giá tiền khám được BHXH chi trả sẽ giảm theo tương ứng. Quy định này được đưa ra nhằm đảm bảo chất lượng khám bệnh cho người dân, khi các cơ sở y tế không thể chạy theo số lượng mà thăm khám một cách sơ sài. Tùy theo mức quá tải của giường bệnh đến đâu sẽ có tỉ lệ thanh toán BHXH đến đó. Hệ số quá tải giường bệnh cũng được quy định rất cụ thể.
Ông Lê Văn Mạnh chia sẻ: “Với những quy định mới của Thông tư 15, các bệnh viện phải có hướng phấn đấu, làm thế nào để vừa bảo đảm chỉ tiêu trong định mức, vừa phục vụ tốt bệnh nhân. Ví dụ, quy định mới chỉ được khám không quá 65 bệnh nhân/bàn khám/ngày, nên chúng tôi chuẩn bị phương án trong thời điểm xảy ra dịch bệnh là sử dụng phòng khám Nội nhi để tăng cường”.
Tuy nhiên, từ hơn một năm sau khi triển khai việc thu giá dịch vụ, tất cả các bệnh viện đã thực hiện việc chi trả tiền lương cho nhân viên y tế. Do đó, với Thông tư 15 quy định giảm giá tiền giường, tiền khám bệnh, đương nhiên nguồn thu của bệnh viện sẽ bị sụt giảm. Hệ quả, việc trả lương cho nhân viên y tế sẽ khó khăn hơn.
Ngoài ra, kinh phí sử dụng cho việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân cũng giảm đi. Bên cạnh đó, định mức kinh tế kỹ thuật Bộ Y tế và Bộ Tài chính áp dụng theo Thông tư 37 đã có sự điều chỉnh, nhưng mức tiền lương vẫn áp dụng theo mức cũ, trong khi mức lương cơ bản đã 2 lần thay đổi. Ông Lê Quang Hùng cho rằng đây là điều chưa hợp lý, và ngành Y tế sẽ phải đề nghị với UBND tỉnh và Sở Tài chính để cân đối lại, bù lại khoản tiền lương tính chưa đáp ứng theo yêu cầu.
LÊ CƯỜNG