Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em: Cần mạnh mẽ, thay đổi tư duy
Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông trong tỉnh, xuất hiện khá nhiều các bản tin liên quan đến bản án dành cho những kẻ xâm hại tình dục trẻ em. Ðiều này cho thấy sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và sự dũng cảm, quyết tâm của các gia đình trên hành trình đòi lại công bằng cho con của mình. Nhưng để phòng chống xâm hại tình dục trẻ em đạt hiệu quả cao hơn, cần nhiều hơn thế.
Xin đừng chọn im lặng!
Tại Diễn đàn trẻ em năm 2018 (tổ chức cuối tháng 6 vừa qua), câu hỏi của một đại biểu trẻ em đến từ huyện Vĩnh Thạnh để lại nhiều suy nghĩ: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong các vụ xâm hại tình dục trẻ em? Và kẻ mất nhân tính có bị trừng trị thích đáng?
Các đại biểu trẻ em bày tỏ góc nhìn về xâm hại tình dục trẻ em tại Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2017.
Chia sẻ trước 130 đại biểu trẻ em đại diện cho trẻ em toàn tỉnh, đại tá Thân Trọng Hải, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (CA tỉnh), khẳng định: Luật pháp, các đơn vị chức năng, toàn xã hội sẽ bảo vệ các em; những kẻ có hành vi đồi bại đều sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.
Một trong những vụ xâm hại tình dục trẻ em gây phẫn nộ thời gian qua là xâm hại một trẻ gái dưới 16 tuổi bị tâm thần. Do hạn chế năng lực nhận biết, lại thiếu sự quan tâm của gia đình, cháu bé đã bị kẻ xấu xâm hại nhiều lần. Đến khi gia đình phát hiện trẻ có thai, vụ việc mới được phát giác. Kẻ thủ ác đã phải lãnh bản án 14 năm tù giam.
Gây sốc đối với trẻ và gia đình là trường hợp thủ phạm xâm hại tình dục trẻ là người quen, thân. Như trường hợp một cháu bé ở huyện Hoài Nhơn bị chính cha dượng đe dọa, xâm hại tình dục. Tòa tuyên án người cha dượng mất nhân tính 13 năm tù giam.
Theo số liệu của CA tỉnh, từ tháng 11.2017 đến cuối tháng 5.2018, toàn tỉnh có 3 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Các thủ phạm đều đã bị khởi tố và sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Tuy nhiên, con số trên có thể chỉ là “phần nổi của tảng băng” bởi thực tế, không ít gia đình đã chọn cách im lặng.
Ông Lê Đức Khiết, Phó Trưởng Khoa Tâm lý giáo dục và Công tác xã hội (Trường ĐH Quy Nhơn), lý giải: “Rất nhiều những nỗi sợ mơ hồ sẽ đeo bám các gia đình có trẻ bị xâm hại tình dục. Sợ bị đem ra bàn tán, sợ xấu mặt. Hơn hết, họ sợ tương lai của con mình sẽ bị ảnh hưởng nếu vụ việc có nhiều người biết. Một số khác còn lo là không biết con, cháu mình nói có chính xác không vì giữa sự hiểu biết và diễn tả bằng ngôn ngữ của bé nhiều lúc chưa rõ ràng. Hoặc họ sợ thủ phạm - kẻ đã dám làm việc vô nhân tính - sẽ trả thù; hoặc họ không đủ niềm tin vào cơ quan chức năng...”.
Và lời khuyên của tất cả các chuyên gia, các ngành chức năng dành cho các gia đình là nạn nhân đều là: đừng im lặng. Hãy dũng cảm lên tiếng vì sự an toàn của con mình và cả những đứa trẻ khác. Xâm hại tình dục trẻ em là tội ác nghiêm trọng và kẻ đồi bại phải bị trừng trị trước pháp luật.
Thay đổi tư duy để phòng ngừa
Theo phân tích của các chuyên gia công tác xã hội, sự quan tâm thái quá của cộng đồng đang vô tình đè nặng lên các gia đình là nạn nhân của xâm hại tình dục trẻ em, làm tổn thương trẻ. Họ là nạn nhân của một tai nạn ngoài ý muốn nhưng đôi lúc lại được nhìn, bàn tán như kẻ có tội.
Theo ông Khiết, để hiểu, thông cảm và quan tâm đúng cách đối với các nạn nhân của xâm hại tình dục trẻ em, mọi người hãy đặt mình vào vị trí của nạn nhân và gia đình. Bắt đầu bằng chuỗi câu hỏi này để đồng cảm: nếu người thân, con em của mình rơi vào trường hợp này thì sẽ gặp phải những khó khăn gì? Những nỗi đau nào mà gia đình đang gánh chịu? Gia đình mình cần sự trợ giúp gì từ cộng đồng, cơ quan chức năng trong tình cảnh này?
Trao đổi với khá nhiều phụ huynh, chúng tôi nhận thấy: một bộ phận phụ huynh đặc biệt quan tâm và có tư duy cởi mở, mạnh dạn bắt tay vào việc giúp con hiểu về giới tính, xâm hại tình dục. Chị Bích Thanh (34 tuổi, ở phường Trần Hưng Đạo, TP Quy Nhơn) có con đang học lớp 4, bộc bạch: “Tôi biết là mọi đứa trẻ đều có nguy cơ bị xâm hại. Tôi rất sợ con mình là nạn nhân nên hay lên mạng tìm hiểu các cách chia sẻ với con, dạy con. Mỗi khi tắm, tôi thường lặp lại các câu hỏi, lời nhắc về những vùng riêng tư của con mà không người nào khác được phép chạm vào nếu không có sự đồng ý của con”.
Bản thân người lớn cũng cần thay đổi các hành vi, thói quen thể hiện sự yêu thương đối với con trẻ để giúp trẻ nhận biết rạch ròi giữa yêu thương và lợi dụng để xâm hại trẻ. Đó có thể là thói quen nựng nịu bộ phận sinh dục của trẻ khi trẻ còn nhỏ. Hoặc lối nghĩ, con còn nhỏ nên không vội dạy về kỹ năng tự bảo vệ, phòng chống xâm hại tình dục.
Thực chất, phải bắt đầu càng sớm, lặp đi lặp lại nhiều lần để tạo thành phản xạ thì mới có thể thành kỹ năng. Không chỉ dừng lại ở việc nói, bố mẹ cần phải đặt ra các tình huống giả định để hướng dẫn con xử lý trong khả năng, độ tuổi của mình.
NGUYỄN MUỘI