Hơn 1.200 hộ sống vùng nguy hiểm đã được di dời, tái định cư
Nguồn kinh phí để xây dựng các công trình đê, kè chống sạt lở, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân nằm trong vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai còn hạn hẹp. Do đó, giải pháp đầu tư xây dựng khu tái định cư, bố trí đất ở và hỗ trợ kinh phí di dời cho người dân được coi là phương án hữu hiệu. PV Báo Bình Ðịnh đã có cuộc trao đổi với ông Phan Thành Giản, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (trực thuộc Sở NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.
* Ông có thể cho biết kết quả thực hiện các dự án tái định cư di dân vùng sạt lở nguy hiểm ở tỉnh ta đến thời điểm hiện nay?
- Đến nay, toàn tỉnh có tất cả 19 dự án tái định cư (TĐC) di dân vùng sạt lở, triều cường được triển khai xây dựng, với tổng quỹ đất ở được quy hoạch hơn 85ha, đảm bảo bố trí cho hơn 2.500 hộ gia đình. Đến nay, đã có 18 khu TĐC tập trung đã hoàn thành công tác xây dựng hạ tầng. Vào thời điểm hiện tại, Chi cục đã phối hợp cùng với các địa phương tổ chức TĐC cho 1.223 hộ dân sống ở vùng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai. Theo kế hoạch, trong năm nay, các địa phương trong tỉnh sẽ tiếp tục di dời 154 hộ dân tại các vùng sạt lở nguy hiểm trước khi mùa mưa lũ đến và hiện đã di dời được 17 hộ. Tổng kinh phí hỗ trợ di dời dân cư vùng sạt lở trong năm 2018 dự kiến gần 5 tỉ đồng.
* Cuộc sống của người dân ở các điểm TĐC, hiện ra sao?
- Qua theo dõi, đời sống của người dân ở các khu TĐC những năm qua khá ổn định; vệ sinh môi trường nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ người dân không còn phải sống trong tình trạng lo lắng như trước; người dân đã có thể yên tâm lao động sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít hộ gia đình vì điều kiện kinh tế khó khăn nên nhà ở xây dựng chưa kiên cố, thu nhập còn bấp bênh cần phải có sự trợ giúp của chính quyền và cộng đồng.
* Sau nhiều năm triển khai công tác TĐC di dân vùng sạt lở, triều cường bên cạnh những thuận lợi vẫn còn khó khăn gì, thưa ông?
- Điều thuận lợi đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành liên quan của tỉnh cùng chính quyền địa phương các cấp trong việc xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các khu TĐC dân vùng thiên tai, đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho người dân TĐC sinh sống. Chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, công khai các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; cấp phát tiền hỗ trợ của Nhà nước, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc kịp thời giúp người dân sớm ổn định cuộc sống nơi TĐC.
Hạ tầng khu TĐC Trung Lương, xã Cát Tiến (Phù Cát) được xây dựng khang trang, đảm bảo yêu cầu về cuộc sống cho người dân.
Chính quyền địa phương thấy được những khó khăn của người dân về việc làm và thu nhập khi di chuyển chỗ ở, nên họ đã chủ động lựa chọn, bố trí các khu TĐC tại khu vực vừa an toàn và gần khu vực lao động, sản xuất cũ; qua đó không làm xáo trộn quá nhiều đến đời sống của người dân.
Bên cạnh mặt thuận lợi, công tác này gặp nhiều khó khăn. Trước tiên đó là nguồn vốn hỗ trợ của chính phủ có hạn, vốn đối ứng của địa phương có lúc, có nơi khó khăn nên có một số dự án do thiếu vốn hoặc cấp vốn chậm dẫn đến thời gian thi công kéo dài, có dự án kéo dài 4-5 năm mới hoàn thành. Một số dự án do người dân không chấp hành công tác giải phóng mặt bằng, gây khó khăn cho địa phương không thể xây dựng các kết cấu hạ tầng của dự án, làm chậm tiến độ, thậm chí dừng thi công. Mức hỗ trợ của Nhà nước trực tiếp cho các hộ TĐC còn thấp nên hộ có khả năng tài chính hạn hẹp, chưa đủ điều kiện để di dời đến các khu TĐC cùng một lúc. Mặt khác, một số hộ dân còn chủ quan nên chậm hoặc không muốn di, dời đến các khu TĐC.
* Ở các vùng ven biển tỉnh ta hiện còn nhiều khu dân cư bị sạt lở nguy hiểm, thường xuyên bị sóng biển đe dọa hoặc bị nước lũ chia cắt, ngập lụt sâu. Vậy, Chi cục đã có phương án gì để giải quyết vấn đề này, đặc biệt là trước mùa mưa lũ năm nay?
- Hiện nay trên địa bàn tỉnh còn một số nơi có nguy cơ bị thiên tai do bão, triều cường, lũ lụt ngập sâu chưa xây dựng được các khu TĐC. Ước tính toàn tỉnh hiện còn gần 1.300 hộ dân nằm trong vùng thiên tai nguy hiểm cần lên phương án để tiếp tục di dời trong các năm đến. Hiện nay, Chi cục đã phối hợp Chi cục Thủy lợi tham mưu cho Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí để tiếp tục xây dựng các khu TĐC tập trung. Đồng thời, Chi cục đang đôn đốc các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, kịp thời bố trí TĐC cho dân vùng thiên tai.
Trước mùa mưa bão năm nay, Chi cục đã yêu cầu, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án sơ tán dân chưa TĐC còn ở tại các vùng có nguy cơ bị thiên tai khi có bão, lũ, triều cường xảy ra, đảm bảo an toàn tính mạng của người dân.
* Xin cảm ơn ông!
TRỌNG LỢI (thực hiện)