Triển khai hậu kiểm an toàn thực phẩm: Tích cực thực hiện vì mục tiêu đảm bảo ATTP
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm trên địa bàn, các cấp các ngành liên quan đang xây dựng kế hoạch thực hiện. Hậu kiểm về an toàn thực phẩm được cho là có nhiều điểm thông thoáng, tạo thuận lợi cho DN. Nhưng cùng với đó, sẽ tạo một số khó khăn nhất định trong công tác quản lý.
Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: Trước đây, các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm phải được kiểm tra đầy đủ các thủ tục theo quy định trước khi được cấp phép đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo quy định mới, một số cơ sở sẽ được quyền tự công bố sản phẩm và chỉ tiêu an toàn. Sau đó, các cơ quan quản lý nhà nước mới tiến hành kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện vi phạm. Đây được cho là cách thức tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển kinh doanh, sản xuất nhưng không buông lỏng quản lý an toàn thực phẩm (ATTP).
Công tác hậu kiểm về ATTP tạo thuận lợi cho các DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
- Trong ảnh: Một công đoạn làm chả cá ở cơ sở chế biến tại phường Trần Phú (TP Quy Nhơn).
Hình thức hậu kiểm được triển khai theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về quản lý ATTP (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP), quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP. Nghị định này đã cắt giảm nhiều thủ tục đăng ký, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. DN được tự công bố sản phẩm, chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm, thay vì gửi bản hồ sơ công bố tới các cơ quan nhà nước để xác nhận như trước đây. Riêng một số sản phẩm phải công bố tại Bộ Y tế và Sở Y tế như: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới sẽ đăng ký bản công bố tại Cục ATTP; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi phải đăng ký bản công bố tại sở y tế địa phương; các sản phẩm còn lại DN tự công bố theo hướng dẫn.
Căn cứ công bố của DN, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử phạt nếu phát hiện sai phạm; trong đó sẽ mở rộng phạm vi, nâng cao mức xử phạt theo quy định pháp luật; đặc biệt, có một số mặt hàng sẽ được miễn công bố. Điểm thuận lợi mà DN được hưởng khi thực hiện Nghị định 15 là việc mở rộng diện các DN không cần phải có giấy xác nhận đủ điều kiện ATTP cũng như mở rộng đối tượng, các cơ sở được miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Việc triển khai công tác hậu kiểm nhằm góp phần kiểm soát bảo đảm ATTP các khâu sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường, chú trọng hậu kiểm đối với các cơ sở có sản phẩm công bố (tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm); các cơ sở sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm. Công tác hậu kiểm hướng đến mục tiêu bảo đảm 100% sản phẩm lưu thông trên thị trường phải được kiểm tra, giám sát ít nhất 1 lần/năm về công bố sản phẩm và chỉ tiêu an toàn.
Hoạt động này sẽ kết hợp hậu kiểm hồ sơ và lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu ATTP; kiểm soát chặt chẽ hồ sơ tự công bố sản phẩm, trình tự công bố, phiếu kết quả kiểm nghiệm, ghi nhãn, quảng cáo và chỉ tiêu an toàn cơ sở tự công bố hoặc đăng ký bản công bố cùng các hồ sơ, tài liệu pháp lý. Riêng đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, sẽ được tập trung hậu kiểm việc chấp hành quy định chung về bảo đảm ATTP; các yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP; việc sử dụng phụ gia thực phẩm…
Về những khó khăn cho công tác quản lý so với hình thức tiền kiểm, ông Trung chia sẻ: Trước đây, các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm đều phải thực hiện theo các quy định của Nhà nước. Trong quá trình kiểm tra ATTP, nếu phát hiện có cơ sở vi phạm thì cơ quan quản lý nhà nước có thể chấn chỉnh ngay được. Nhưng hiện nay chủ yếu dựa vào sự tự giác của cơ sở. Mà trong kinh doanh có thể chủ cơ sở không nắm được hết những văn bản, yêu cầu theo quy định nên không thực hiện đúng chuẩn. Nếu cơ sở nào không tự giác thực hiện đúng các quy định sẽ làm trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nặng nề thêm. Bên cạnh đó, với lực lượng chuyên trách đảm bảo ATTP của chúng ta còn mỏng, nếu có nhiều DN, cơ sở đăng ký hoạt động kinh doanh, chế biến thực phẩm sẽ rất khó khăn cho công tác kiểm tra.
LÊ CƯỜNG