Điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học: Thí sinh cần thận trọng
Đến thời điểm này, các trường đại học (ĐH) đã công bố mức điểm sàn xét tuyển cho năm 2018. Mức điểm sàn này đã được các trường tính toán dựa vào số lượng nguyện vọng (NV) mà thí sinh (TS) đã đăng ký trước đó.
Do đó, khi điều chỉnh NV, TS cần hết sức thận trọng để tránh tình trạng điểm cao mà không trúng tuyển vào ngành mà mình đã đăng ký.
Ngành “hot”, trường tốp trên điểm chuẩn giảm mạnh
Theo Bộ GD-ĐT, qua phân tích phổ điểm đối với một số khối thi (A, A1, B, C, C01, D) cho thấy điểm trung bình của tổng điểm các khối thi đều lớn hơn 15. Không có TS nào đạt tổng điểm tuyệt đối 30/30 điểm. Trong đó, khối A có 365.163 TS với điểm trung bình là 15,83 và mức điểm có nhiều TS đạt nhất là 16,25. Khối A1 có tổng số 354.371 TS với điểm trung bình là 15,24; mức điểm có nhiều TS đạt nhất là 15. Đạt mức điểm từ 27 trở lên, chỉ có vài trăm TS. Khối B có tổng số 364.302 TS với điểm trung bình là 15,36. Mức điểm có nhiều TS đạt nhất là 15,1. Ở khối D1 có 636.437 TS với mức điểm trung bình là 15,28. Mức điểm có nhiều TS đạt nhất là 15. Còn khối C có 324.337 TS với điểm trung bình là 15,6. Mức điểm có nhiều TS đạt nhất là 15,5.
Thí sinh phải thận trọng khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH trong năm 2018
Theo Vụ Giáo dục ĐH, cả nước có 925.964 TS đăng ký dự thi THPT quốc gia, trong đó 237.320 TS chỉ dự thi để xét tốt nghiệp THPT, 688.644 TS đăng ký xét tuyển ĐH. Tổng số NV của TS là 2.750.444, tăng 7,1% so với năm 2017. Trong khi đó, tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường ĐH và các trường trong khối đào tạo giáo viên là 455.174 (tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia là 344.275, tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng các phương thức khác là 110.899), tăng 1,2% so với năm 2017.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, với kết quả phổ điểm của từng tổ hợp môn đều thấp hơn năm 2017 thì điều dễ nhìn thấy nhất đó là điểm những ngành “hot”, trường tốp trên sẽ giảm mạnh.
Cụ thể, những trường khối y dược như ĐH Y Hà Nội, ĐH Y Dược TPHCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Y Thái Bình, điểm chuẩn các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Dược… nhiều khả năng sẽ giảm từ 2 - 3 điểm.
Những trường tốp trên như ĐH Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, điểm chuẩn nhiều ngành “hot” cũng giảm ít nhất từ 1 - 2 điểm. Đối với những ngành có điểm chuẩn ở mức 24 - 28 điểm của năm 2017 thì năm nay sẽ giảm 1 - 3 điểm.
Do đó, với TS có mức điểm khoảng 24 - 25 ở các tổ hợp khối A, A1, B, D1, C, cơ hội trúng tuyển sẽ rất lớn nên cần phải cân nhắc khi thay đổi NV. Vì thực tế, số TS ở các khối nói trên đạt từ mức điểm 24 - 29 điểm thấp hơn rất nhiều so với năm 2017.
Trường tốp giữa và tốp dưới ít biến động
Nhìn vào mức điểm sàn xét tuyển mà nhiều trường ĐH tốp giữa đã công bố như Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, Trường ĐH Mở TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm, Trường ĐH Tài chính Marketing… cho thấy mức điểm từ bằng đến giảm khoảng 1 - 2 điểm so với năm 2017.
Do năm nay các trường ngoài khối sư phạm tự xác định mức điểm sàn nên có thể thấy mức điểm sàn năm 2018 đã được tính dựa vào số lượng NV mà TS đã đăng ký vào trường khi làm hồ sơ đăng ký dự thi. Hơn nữa, mức chênh lệch giữa điểm sàn và điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) trong năm 2017 của nhiều trường tốp giữa chênh lệch không nhiều, khoảng từ bằng đến cao hơn 1 - 2 điểm. Chính vì vậy, năm nay nếu TS có mức điểm cao hơn điểm sàn ở nhiều ngành từ 1 - 2 điểm thì phải cân nhắc khi thay đổi NV. Với mức điểm này, cùng với kết quả điểm thi thấp thì tỷ lệ trúng tuyển NV1 đối với TS là rất lớn.
Tuy nhiên, đối với những trường tốp giữa có mức điểm sàn xét tuyển bằng năm 2017 (từ 15 - 15,5 điểm), TS cần phải tính toán cho hợp lý vì đây thường là cái “bẫy”.
Một nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM lưu ý: Có nhiều trường tốp giữa, dù số lượng NV (chủ yếu từ NV1 - NV3) so với chỉ tiêu lớn hơn gấp 3 - 4 lần, nhưng vẫn công bố mức điểm sàn bằng năm 2017. Với những trường này, TS cần tham khảo điểm chuẩn năm 2017 để tính toán. Nếu điểm của TS bằng mức điểm chuẩn năm 2017 thì nhiều khả năng sẽ trúng tuyển. Nếu điểm của TS thấp hơn khoảng 2 - 3 điểm so với điểm chuẩn năm 2017 thì nên tính toán để thay đổi NV nhằm tăng khả năng trúng tuyển.
Trong khi đó, với những trường tốp dưới, phần lớn là những trường công lập có điểm chuẩn năm 2017 bằng mức điểm sàn hoặc những trường ĐH tỉnh, TS có mức điểm bằng với điểm sàn xét tuyển thì khả năng trúng tuyển tương đối cao. Do đó, nếu TS có mức điểm 15 - 17 điểm thì hết sức cân nhắc khi điều chỉnh NV vào những trường khác.
Với những trường thuộc khối sư phạm, ngày 18.7 Bộ GD-ĐT sẽ công bố mức điểm sàn. Do tình hình chỉ tiêu cắt giảm nhiều, điểm chuẩn của ngành sư phạm năm 2018 chắc chắn sẽ rất cao. Do đó, những TS yêu thích ngành sư phạm nên tham khảo kỹ điểm chuẩn của năm 2017 và năm 2016. Nếu kết quả điểm thi chỉ bằng hoặc cao hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT từ 1 - 2 điểm, TS nên tính toán thay đổi NV để tăng khả năng trúng tuyển.
Thí sinh cũng nên nhớ, việc thay đổi NV chỉ được thực hiện một lần duy nhất. Do đó, nếu không thận trọng, TS sẽ rất hiếm có cơ hội để trúng tuyển vào những trường ĐH uy tín vì rất ít trường xét tuyển NV bổ sung.
Theo THANH HÙNG (SGGP)