Tỉ lệ tốt nghiệp THPT tiếp tục giảm: Không đáng lo!
Việc tỉ lệ tốt nghiệp THPT của tỉnh Bình Ðịnh trong năm 2018 tiếp tục thấp hơn mặt bằng chung của cả nước, đang khiến một số người băn khoăn. Nhưng điều cần khẳng định, tỉ lệ tốt nghiệp THPT không phải là thước đo chính xác duy nhất chất lượng giáo dục, và với tình hình hiện tại thì không có gì đáng lo lắng.
Điều cần khẳng định là tỉ lệ tốt nghiệp THPT không phải là thước đo chính xác duy nhất chất lượng giáo dục và với tình hình hiện tại thì không có gì đáng lo lắng.
Năm nay, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của học sinh cả nước là 97,57%, còn của Bình Định là 96,69%. Theo tổng hợp của Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục (Sở GD&ĐT), có 565 trong tổng số 17.057 thí sinh dự thi bị rớt tốt nghiệp. Số lượng đơn vị có tỉ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp đạt 100% giảm từ 8 đơn vị (năm 2017) còn 6 đơn vị (năm 2018).
Nhìn vào bảng tổng hợp kết quả xét tốt nghiệp THPT năm 2018 do Sở GD&ĐT công bố, dễ dàng thấy phần giảm chủ yếu rơi vào các trường tư thục, công lập tự chủ tài chính, trường tổ chức dạy học sinh hai hệ - công lập và công lập tự chủ tài chính. Hầu hết các hiệu trưởng được hỏi đều cho rằng, đề thi khó là nguyên nhân chính. Nhiều người trong số này lưu ý, dù nhiều giáo viên, thí sinh nhận xét, khoảng một nửa số câu hỏi trong đề thuộc vào loại “dễ thở”, nhưng trên thực tế, với năng lực của học sinh của các trường công lập tự chủ, vẫn có nhiều câu thực sự quá tầm.
Ông Lê Văn Dư - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TX An Nhơn) phân tích, dù đề thi chính thức có cấu trúc giống với đề minh họa nhưng đi vào cụ thể từng câu thì cách hỏi lắt léo, thậm chí “gây nhiễu” khiến học sinh không biết cách xử lý kịp thời. Chẳng hạn với môn Ngữ văn, cách hỏi như vậy, để học sinh hiểu và nhận thức được vấn đề là không hề dễ dàng. Hay như môn tiếng Anh, đề có nhiều từ khiến học sinh lúng túng. Còn môn Sử thì có nhiều câu hỏi mang tính tổng hợp kiến thức và “gây nhiễu”.
Tuy vậy, khi đề cập đến tỉ lệ tốt nghiệp, Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn thẳng thắn thừa nhận, đúng là đề thi có khó hơn, nhưng công bằng mà đánh giá, lượng học sinh bị hổng kiến thức vẫn còn quá nhiều. Vậy nên, dù các thầy cô giáo, ban giám hiệu các trường đã nỗ lực rất nhiều trong giảng dạy, ôn tập thì các em vẫn chưa thể lấp được hết “lỗ hổng”. Điểm tích cực của vấn đề ở đây là, dù tỉ lệ tốt nghiệp THPT tiếp tục thấp hơn mặt bằng chung của cả nước, nhưng đó là kết quả của việc học thật - thi thật.
Ông Đỗ Hữu Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT số 1 An Nhơn, đơn vị có 100% học sinh đỗ tốt nghiệp năm nay, cho biết: “Tôi đã yêu cầu các giáo viên của nhà trường phải dạy thật chắc kiến thức cơ bản cho học sinh trước khi đề cập đến phần nâng cao, mở rộng. Dạy làm sao để các em có thể được ít nhất 5 điểm khi làm bài thi”.
Khẳng định về việc tiếp tục theo đuổi chủ trương học thật - kết quả thật, ông Đào Đức Tuấn phân tích: “Vì điểm xét tốt nghiệp là tổng điểm của 4 bài thi cộng với điểm trung bình cả năm lớp 12 chia đôi nên tôi đã chỉ đạo các trường không được “cấy” điểm vô học bạ. Làm như vậy, học sinh sẽ chủ quan, không chịu học và chất lượng sẽ ngày càng đi xuống. Tôi đặc biệt lưu ý các trường tư thục và công lập tự chủ, muốn có kết quả tốt hơn thì ta cùng nỗ lực, Sở sẽ nghiên cứu để tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp THPT”.
Có độ “vênh” trong đánh giá học sinh
Các chuyên gia giáo dục đưa ra một góc nhìn cho việc này như sau: Nếu các câu hỏi dành để xét tốt nghiệp THPT (được định hướng là bám sát kiến thức phổ thông) nhưng lại quá tầm với học sinh, thì hoặc là đề quá cao hoặc là học sinh chưa học tới, chưa đủ, chưa kỹ. “Cũng giống như kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập của tỉnh, có không ít học sinh khá, giỏi có điểm trung bình ba môn Toán, Văn, tiếng Anh đạt 8,0 - đây là 3 môn các em dự thi trong kỳ thi vào lớp 10 - nhưng điểm thi lại thấp và bị rớt”.
NGỌC TÚ