Bệnh đau mắt đỏ hoành hành
Từ 10.9 đến hết ngày 25.9, có 3.269 lượt bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám bệnh tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt. Ðây là loại bệnh rất dễ lây, trong khi không phải ai cũng ý thức giữ gìn, phòng tránh.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ (còn gọi là viêm kết mạc cấp): do vi khuẩn (tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn, tạp khuẩn...), do virus (Adeno, Herpes...), do ký sinh trùng... Tuy nhiên, bệnh viêm kết mạc cấp có thể phát triển thành dịch thì nguyên nhân chủ yếu là do virus mà hay gặp là virus hạch (Adeno) phát triển mạnh trong thời điểm giao mùa, đặc biệt là giữa 2 mùa thu - đông với không khí ẩm. Thời gian ủ bệnh (từ khi bị nhiễm đến khi xuất hiện bệnh) thường kéo dài 3 ngày.
Dễ lây như… đau mắt đỏ
Sáng 22.9, Lê Thị Kiều Liên - sinh viên năm 3, Trường Cao đẳng Bình Định - đến khám mắt tại Bệnh viện Mắt tỉnh trong tình trạng mắt trái sưng húp, mắt phải bắt đầu có triệu chứng đỏ dần. Liên cho biết: “Chiều qua mới thấy ngưa ngứa, sáng ngủ dậy mắt đã sưng rát, rất khó chịu. Chỉ chưa đầy 3 ngày, cả 6 người trong phòng trọ của tôi đều mắc bệnh. Ai cũng có đồ sinh hoạt riêng, nhưng không thể không ăn chung. Thế là… lây”.
Vào khám sau Kiều Liên là Nguyễn Thanh Hiền, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Nhơn Bình, TP Quy Nhơn. Theo lời anh Nguyễn Huy Cường, ba của Hiền, 2 ngày trước đó, cậu bé bị lây bệnh từ mẹ. Anh đã mua thuốc cho con uống nhưng không thấy đỡ, mắt của Hiền đã bị phù kết mạc. “Nghe bày áp mắt bé vào hơi nước tỏa ra từ ly nước nóng có pha muối, tôi cũng làm cho cháu nhưng cũng chẳng “xi-nhê” gì”, anh Cường hóm hỉnh. Anh còn cho biết, bệnh mắt đỏ đang “hoành hành” cả xóm nơi anh ở.
Một người mắc bệnh, cả nhà bị lây là tình trạng phổ biến của bệnh. Sáng 24.9, bà Huỳnh Thị Phúc - ở xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ - ẵm cháu là Hồ Trịnh Hoài Nam đi khám bệnh đau mắt đỏ ở Trung tâm Y tế huyện. “Cả nhà đều bị bệnh hết rồi, từ thằng cu 17 tháng tuổi đến bà già 60 như tui”, bà Phúc cho hay. Bên cạnh đó, không ít trường hợp đã điều trị bớt bệnh nhưng vẫn bị lây trở lại. Như trường hợp em Nguyễn Phúc Khang, 32 tháng tuổi, ở thị trấn Phù Mỹ, 2 lần bị đau mắt đỏ trong vòng 1 tháng.
Hiện nay, tại nhiều địa phương trong tỉnh, số ca bệnh đau mắt đỏ ở mức cao. Từ sáng 24.9 đến 14 giờ 30 cùng ngày, đã có 25 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Phù Cát, tăng gấp 5 so với ngày thường. “Mấy ngày gần đây, bình quân mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khoảng 30 ca đau mắt đỏ, trong đó nhiều nhất là học sinh”, y sĩ Hồ Văn Cường, khoa Khám, Trung tâm Y tế Phù Cát, cho biết.
Không chủ quan
Trước nguy cơ lây lan nhanh của bệnh đau mắt đỏ, các trường học - môi trường thuận lợi lây bệnh hàng đầu - đều tiến hành ngăn chặn nguồn lây bệnh. “Học sinh và giáo viên bị đau mắt đỏ đều nghỉ học, nghỉ dạy để đảm bảo bệnh không lan rộng. Các trường đều có phương án bố trí người dạy thay và phụ đạo cho học sinh để đảm bảo hoạt động dạy - học”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện An Lão Nguyễn Xuân Bình cho biết.
Theo bác sĩ Phan Thị Thu Hà, khoa Khám, Bệnh viện Mắt tỉnh, hiện con số thống kê được chưa phản ánh chính xác tình trạng phức tạp của bệnh đau mắt đỏ. Bởi, có rất nhiều gia đình cử “đại diện” đi khám, lấy đơn thuốc về để dùng chung cho cả nhà. “Bệnh đau mắt đỏ tuy lành tính nhưng nhiều biểu hiện khác nhau nên không có đơn thuốc chung cho mọi trường hợp. Khi bị bệnh nên đi khám để bác sĩ kê đơn điều trị phù hợp”, bác sĩ Hà phân tích.
Bác sĩ Hà còn cho biết thêm, do chủ quan, nhiều người đã tự mua thuốc uống, nhỏ, hoặc dùng phương pháp dân gian, không những không khỏi mà bệnh còn nặng hơn, như bị biến chứng viêm loét giác mạc. Có trường hợp bị dị ứng nặng do đắp nha đam, mắt đổ gèn rất nhiều.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng đau mắt đỏ thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, bệnh thường ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Không ít trường hợp bệnh kéo dài và có biến chứng xấu, ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người phải luôn có ý thức phòng bệnh tốt và cần được can thiệp kịp thời khi mắc bệnh.
Bệnh nhân đau mắt đỏ có thể lây bệnh ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng. Ngay khi bệnh nhân đã khỏi bệnh vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần. Do đó, việc phòng bệnh rất quan trọng. “Luôn vệ sinh sạch sẽ, khi ra đường phải đeo kính, tra nước muối sinh lý thường xuyên để rửa mắt. Khi bị viêm kết mạc cấp thì phải có ý thức phòng tránh lây nhiễm cho người khác như dùng riêng khăn và chậu rửa mặt, đeo kính và đeo khẩu trang, hạn chế đến những nơi đông người khi không cần thiết. Trước khi dùng các vật dụng chung phải rửa tay bằng xà phòng”, bác sĩ Nguyễn Thanh Triết, Giám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh, lưu ý.
NGUYỄN VĂN TRANG