Cảnh giác với bệnh sốt mò
Từ tháng 7.2013 đến nay, khoa Truyền nhiễm (BVÐK tỉnh) đã tiếp nhận và điều trị khỏi cho 13 bệnh nhân bị sốt mò. Trong đó, tháng cao điểm lên đến 9 ca - gần ngang với tổng số bệnh nhân cả năm trước đây.
Trưa 19.9, bệnh nhân Nguyễn Thị Hương - 53 tuổi, ở huyện Kbang, tỉnh Gia Lai - được đưa vào khoa Truyền nhiễm, BVĐK tỉnh trong tình trạng sốt cao (40,40C), nhức 2 hốc mắt, đau đầu, có vết loét ở sát nách phải. Trước đó 2 ngày, khoa Truyền nhiễm cũng tiếp nhận bệnh nhân Lê Thị Năm - 64 tuổi, ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước - bị sốt trên 390C. Khởi bệnh trong 12 ngày, mỗi ngày bà Năm bị sốt 3-4 cơn, trong cơn sốt bị rét run kéo dài 2-3 giờ, bệnh nhân buồn nôn. Được điều trị tích cực, đến tối 23.9, cả hai bệnh nhân trên đều đã hết sốt, đi lại, ăn uống được.
Phần lớn bệnh nhân sốt mò đều bị sốt kéo dài trên 10 ngày, có bệnh nhân sốt trên 15 ngày, cơ sở khám chữa bệnh ban đầu chẩn đoán sốt kéo dài không rõ nguyên nhân, có trường hợp được chẩn đoán sốt xuất huyết, điều trị không hạ sốt được mới chuyển viện.
Bệnh sốt do ấu trùng mò (gọi là bệnh sốt mò) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do mầm bệnh Rickettsia orientalis (từ các động vật hoang dã gặm nhấm chuột, thỏ, lợn, các loài chim hoặc vật nuôi như chó, lợn, gà...) gây nên. Ở miền Bắc, bệnh lưu hành từ tháng 5-10, còn ở miền Nam xảy ra quanh năm, cao nhất vào mùa mưa. Mọi lứa tuổi đều có thể bị mò đốt, nhưng chủ yếu ở tuổi lao động. Người dân ở vùng nông thôn, rừng núi dễ mắc, với tỉ lệ 80,5%.
Đặc trưng của bệnh sốt mò là vết loét (có thể thấy ở đùi, bụng, cổ, ngực, lưng…) giống vết muỗi đốt, sau hơi phỏng, rồi vỡ thành vết loét nhỏ đường kính 2-5mm. Khi vết loét khỏi, da xung quanh cứng, đóng vảy màu nâu. Vì vết loét không ngứa, không đau rát, nên bệnh nhân không để ý đến. Tuy nhiên, đến giai đoạn toàn phát, bệnh nhân sốt rất cao, biểu hiện nhiễm trùng, nhiễm độc, xuất hiện các triệu chứng sưng hạch toàn thân, phát ban, ban sung huyết hoặc xuất huyết kết mạc mắt. Bên cạnh đó còn có triệu chứng thần kinh: lơ mơ, mê sảng, li bì hoặc bệnh lý của viêm màng não. Có thể viêm cơ tim hoặc viêm tắc mạch máu, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng phổi, suy gan, suy thận.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, tuy là bệnh cảnh nặng nhưng điều trị sốt mò khá đơn giản. Dùng kháng sinh nhóm Tetracyclin (Doxycyclin 0,1g x 2 viên/ngày), chỉ sau 1-2 ngày là cắt sốt, bệnh nhân khỏe hẳn. Những bệnh nhân vào viện muộn và đã có bội nhiễm như viêm phổi, suy gan phải điều trị hỗ trợ, kháng sinh phối hợp, trợ gan...
Để phòng bệnh sốt mò, người ở vùng dễ bị lây bệnh hoặc hay làm việc, đi lại ở rừng núi nên mặc quần áo dài tay, có tất tay, tất chân che kín cơ thể. Sau khi đi vào vùng rừng núi, suối… về nên thay đồ giặt ngay. Nhà ở vùng có bệnh lưu hành cần thường xuyên dọn sạch cỏ dại, phát quang quanh nhà, tổ chức diệt chuột và các loài gặm nhấm. Những trường hợp có những dấu hiệu sốt cao li bì, nên đi khám để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
NGUYỄN HOÀNG