Kỳ họp thứ 7, HÐND tỉnh khóa XII: Nhiều vấn đề được quan tâm
Với 28 báo cáo, tờ trình được trình bày tại hội trường và 16 báo cáo, tờ trình khác gởi cho đại biểu nghiên cứu, thảo luận, có thể nói, kỳ họp thứ 7, HÐND tỉnh khóa XII đang giải quyết khối lượng công việc khá lớn với rất nhiều vấn đề được cử tri quan tâm.
Nhiệm vụ thu ngân sách 6 tháng cuối năm khá nặng nề
Giám đốc Sở Tài chính Lê Hoàng Nghi đã bày tỏ như vậy khi trình bày báo cáo Tình hình thực hiện thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018. Theo đó, 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh (không kể các khoản thu vay, tạm ứng ngân sách và thu bổ sung từ ngân sách Trung ương) là hơn 3.964 tỉ đồng, đạt 58,5% dự toán năm và tăng 20,4% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa hơn 3.656 tỉ đồng, đạt 59,1% dự toán năm và tăng 23,9% so với cùng kỳ.
Trong cơ cấu thu, 11/16 khoản thu (không kể thuế sử dụng đất nông nghiệp và thu tiền bán, cho thuê, khấu hao nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do không giao dự toán) thực hiện đạt và vượt mức bình quân 6 tháng được HĐND tỉnh giao. Đáng chú ý, 5/16 khoản thu (chiếm tỉ trọng 27,2% dự toán năm) dự kiến không đạt mức 50% dự toán năm. “Do đó, nhiệm vụ thu ngân sách 6 tháng cuối năm của tỉnh khá nặng nề”, ông Lê Hoàng Nghi nói.
Một số đơn vị sự nghiệp như BVĐK tỉnh có số nộp giảm đáng kể, nguồn thu từ DN nhà nước địa phương đạt thấp.
Cụ thể, khoản thu từ DN nhà nước Trung ương ước thực hiện 161,75 tỉ đồng, đạt 43,7% dự toán năm. Nguyên nhân chủ yếu là do một số DN có vốn đăng ký kinh doanh lớn nhưng số nộp ngân sách thấp hơn so với cùng kỳ. Còn thu từ DN nhà nước địa phương ước đạt 59,135 tỉ đồng, đạt 34,8% dự toán. Một số DN có số nộp giảm mạnh so với cùng kỳ như Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Quy Nhơn (giảm 5,5 tỉ đồng), Công ty CP Pisico - Hà Thanh (giảm 3,6 tỉ đồng)… Bên cạnh đó, một số đơn vị sự nghiệp cũng có số nộp giảm mạnh, như BVĐK tỉnh giảm đến 1 tỉ đồng.
Trong khi đó, thu từ DN có vốn đầu tư nước ngoài ước thực hiện 114,45 tỉ đồng, đạt 30,1% dự toán. Thuế bảo vệ môi trường ước đạt 300,49 tỉ đồng, đạt 43,9% dự toán. Thu cổ tức và lợi nhuận sau thuế ước đạt 25,05 tỉ đồng, đạt 31,3% dự toán.
Kiên quyết chống thất thu thuế
Cũng trong ngày đầu tiên của kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XII, báo cáo đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Cao Thắng nhấn mạnh tình trạng nợ đọng thuế, trốn thuế ở một số địa phương, DN diễn biến phức tạp là tồn tại đáng lo ngại.
Để khắc phục tình trạng này, ông Phan Cao Thắng đặt ra yêu cầu đẩy mạnh các biện pháp chống thất thu thuế, tăng thu ngân sách, nhất là thu nội địa để đảm bảo nhu cầu chi theo kế hoạch; xử lý kiên quyết các trường hợp để tồn đọng thuế, nợ thuế. Đồng thời, khuyến khích phát triển, mở rộng các ngành nghề, lĩnh vực có số thu lớn, nguồn thu ổn định và các hoạt động dịch vụ công cho các đơn vị sự nghiệp có thu để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách.
Còn ông Lê Hoàng Nghi cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra thuế phải được quan tâm hơn, tập trung vào các DN, lĩnh vực, ngành nghề trọng điểm, có độ rủi ro cao, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, có hành vi gian lận thuế, trốn thuế.
“Thực hiện quyết liệt các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế thu nợ thuế theo đúng trình tự pháp luật, nhất là các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, khoáng sản, kinh doanh xăng dầu, du lịch, bất động sản. Định kỳ công khai thông tin các trường hợp nợ thuế quá hạn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đảm bảo tổng nợ đến ngày 31.12.2018 phải thấp hơn 5% so với tổng thu ngân sách và không để nợ mới phát sinh”, ông Nghi nhấn mạnh.
NGUYỄN VĂN TRANG
Một vấn đề khác được quan tâm tại kỳ họp là công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và giải quyết khiếu nại tố cáo trên địa bàn tỉnh. Theo ngành chức năng, 6 tháng đầu năm, tình hình vi phạm pháp luật, phạm pháp hình sự cơ bản được kiềm chế. Toàn tỉnh xảy ra 224 vụ phạm pháp hình sự, so với cùng kỳ giảm 7,1%. Tuy nhiên, từng lúc từng nơi tình trạng vi phạm pháp luật vẫn còn nhiều. Thiếu tướng Nguyễn Bá Nhiên, Giám đốc CA tỉnh, nhìn nhận: “Nhận thức về pháp luật của một bộ phận nhân dân còn thấp; công tác giáo dục, quản lý đối tượng, nhất là thanh thiếu niên hư, phạm pháp, người nghiện, người trong diện tái hòa nhập cộng đồng chưa được các đoàn thể, tổ chức quan tâm đúng mức; một số mặt phòng ngừa, đấu tranh chưa theo kịp phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Hơn nữa, những kẽ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước; chế tài xử phạt đối với các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật chưa đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung”.
Một buổi đối thoại, giải quyết khiếu nại của dân tại trụ sở tiếp công dân tỉnh. Ảnh: VĂN LƯU
Đối với công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chú trọng thực hiện việc đối thoại công khai, dân chủ với nhân dân. Tuy nhiên, hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo chưa cao. Ông Nguyễn Văn Thơm, Chánh Thanh tra tỉnh, dẫn chứng: “Việc phối hợp giữa các ngành, địa phương trong việc giải quyết khiếu nại đông người, phức tạp chưa chặt chẽ; trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số ngành, địa phương, nhất là cấp cơ sở có mặt còn bất cập. Ngoài ra, cơ chế, chính sách pháp luật của nhà nước, nhất là trong lĩnh vực đất đai, bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn có những quy định bất cập, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp thực tế lại thường xuyên thay đổi, gây nhiều khó khăn, vướng mắc, thiếu nhất quán trong quá trình tổ chức thực hiện”.
Kiều Anh