NGÀY LÀM VIỆC THỨ 2, KỲ HỌP THỨ 7 HÐND TỈNH KHÓA XII:
“Nóng” với các vấn đề dân sinh
Ðường BOT “xấu nhất cả nước” nhưng trạm thu phí dày; mức giá đền bù tái định cư của Bình Ðịnh trong thế so sánh với các tỉnh lân cận; Công ty CP Xăng dầu Bình An Bình Ðịnh “cầm đèn chạy trước ô tô”… là những vấn đề được đề cập nhiều tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 7 HÐND tỉnh, diễn ra chiều 18.7.
So với các kỳ họp trước, có thể thấy phiên chất vấn và trả lời chất vấn lần này có số đại biểu (ĐB) tham gia không nhiều. Tuy nhiên, yếu tố tranh luận được thể hiện rõ khi các ĐB “truy” đến cùng vấn đề cử tri quan tâm.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: VĂN LƯU
BOT: Trạm nào đặt sai?
Các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) qua Bình Định tiếp tục làm nóng nghị trường. “Trong 3 trạm thu phí BOT ở Bình Định, trạm nào đặt đúng, trạm nào sai? Tại sao giảm phí thì cái có cái không? Dự án BOT mở rộng đường có mở rộng cầu không?”, là 3 vấn đề mà ĐB Nguyễn Thanh Trà (Tây Sơn) chất vấn Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Tự Công Hoàng, sau đó thêm 1 lần tranh luận nữa, nhưng vẫn chưa có câu trả lời rốt ráo đúng - sai.
Cụ thể, ông Hoàng cho biết, 2 trạm thu phí BOT Bắc và Nam Bình Định đã giảm giá. Riêng với Trạm BOT QL19, Sở GTVT và UBND huyện Tây Sơn mới trình Trung ương phương án giảm giá đối với các đối tượng theo quy định. Bên cạnh đó, cũng đã tính toán giảm giá cho một số loại phương tiện đặc thù như xe buýt, xe thu gom rác… và tăng số đối tượng được hưởng miễn giảm.
Về vị trí đặt trạm BOT, ông Hoàng dẫn văn bản của Bộ GTVT từ năm 2017, lý giải khoảng cách giữa 2 trạm theo quy định là trên 70 km, trường hợp dưới 70 km trên cùng tuyến đường (như 2 trạm Bắc và Nam Bình Định) thì có ý kiến thống nhất của UBND tỉnh và Bộ Tài chính. Tương tự, việc mở rộng cầu trên QL 19 cũng thuộc quyết định của Bộ GTVT.
Cảng Đống Đa: Phải xin ý kiến Ban Thường vụ
Một vấn đề nghiêm trọng được chính Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng đặt ra là tình trạng đổ đất lấn đầm Đống Đa ở khu vực cầu Đen (TP Quy Nhơn) để làm Cảng Đống Đa. “Ngang nhiên làm khi chưa có thiết kế, chưa phê duyệt, dân mấy ngày nay rất bức xúc. Tôi cũng không hiểu ai cho phép làm? Đất đá trôi xuống luồng vào Cảng Quy Nhơn thì như thế nào?”, ông Tùng gay gắt nói.
Phần giải trình của Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thúc Đĩnh chưa thể làm rõ ngọn ngành nguyên cớ, bởi sự việc còn liên quan đến trách nhiệm của Sở Xây dựng trong quá trình tham mưu cho UBND tỉnh. Là người đăng đàn cuối cùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng dành phần lớn thời gian nêu trình tự sự việc liên quan đến dự án Cảng Đống Đa.
Theo đó, quy hoạch Cảng Đống Đa có từ năm 2010 theo quyết định do Chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Thiện ký. Sau đó, năm 2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có kết luận bổ sung chức năng khu cảng hàng lỏng vào Cảng Đống Đa. “Chủ đầu tư làm thủ tục mãi đến bây giờ vẫn còn làm”, ông Dũng nói.
Ngày 18.6.2018, trên cơ sở đề xuất của Sở Xây dựng, UBND tỉnh có văn bản giao sở này hướng dẫn, hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện hồ sơ thiết kế để thẩm định, phê duyệt và triển khai thi công xây dựng dự án Kho cảng xăng dầu, kho bãi tổng hợp Bình An tại khu Cảng Đống Đa. Tuy nhiên, khi thủ tục chưa hoàn thành, Công ty CP Xăng dầu Bình An Bình Định đã ồ ạt đổ đất lấn đầm.
Chủ tịch Hồ Quốc Dũng cho biết UBND tỉnh sẽ cân nhắc kỹ, nhất là đánh giá tác động môi trường cụ thể để triển khai Cảng Đống Đa phù hợp; tranh thủ ý kiến của các lãnh đạo tỉnh để xem xét cho thấu tình đạt lý.
“Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh phải trình xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi triển khai”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tùng chốt vấn đề.
Đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ. Ảnh: VĂN LƯU
Giá đền bù của Bình Định không thấp
Nhiều ĐB cho rằng, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư của Bình Định chưa phù hợp, còn thấp so với các tỉnh lân cận như Quảng Ngãi, Phú Yên, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện tăng. Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trung Thành viện dẫn nhiều chính sách của Trung ương về bồi thường khi thu hồi đất đai, nhưng chưa thể làm rõ tương quan so sánh giữa mức giá đền bù của Bình Định với các địa phương khác.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng khẳng định chắc nịch: “Chính sách đền bù của Bình Định không thể thấp hơn Phú Yên, Quảng Ngãi”.
Chủ tịch cũng phản biện ý kiến của Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Hồng Sơn về cách tính đền bù cây lâu năm của tỉnh có khác với quy định tại khoản 1, điều 90 của Luật Đất đai 2013, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
“Có tình trạng nghe ở đâu chuẩn bị giải tỏa thì mang cây đến trồng tràn lan để đòi đền bù. Do đó, chúng ta phải đưa ra mức tối đa số cây trong một khu vườn đối với những người “chạy chính sách”. Chứ những cây mít, cây xoài, cây ổi… trồng 15 - 20 năm, nếu đền bù sót một cây thì dân đã kiện rồi”, ông Dũng phân tích.
NGUYỄN VĂN TRANG