Quyết liệt chuyển đổi trường mầm non, quản lý tài nguyên
Tại phiên thảo luận tổ diễn ra sáng 18.7, các đại biểu HÐND tỉnh đã phân tích, làm rõ rất nhiều vấn đề từ nội dung các báo cáo, tờ trình. Trong đó, đáng chú ý là vấn đề tự chủ tài chính của các trường mầm non và quản lý tài nguyên, cũng như thu hút đầu tư phải đảm bảo môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng phát biểu, khẳng định tỉnh không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Ảnh: KIỀU ANH
Chuyển đổi trường mầm non: Chưa nghiêm túc
Rất nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của Tờ trình về việc điều chỉnh Nghị quyết 09/2013 của HĐND tỉnh về điều chỉnh, bổ sung một số nội dung Đề án chuyển đổi các trường mầm non bán công, dân lập sang trường mầm non công lập và công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ tài chính. Bởi trước đó, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 27/2011 về chuyển đổi loại hình các trường này và sau đó lại tiếp tục có Nghị quyết 09/2013 điều chỉnh một số nội dung của Đề án.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Đình Thú đặt vấn đề: “Lộ trình đã xác định cụ thể, đến cuối năm học 2017 - 2018, 13 trường mầm non công lập phải tự chủ 100% về tài chính, giờ tổng kết lại chỉ có 1 trường đạt. Nay, tiếp tục xem xét, điều chỉnh lộ trình đến năm 2025 - 2026 với 10 trường mầm non ở các huyện, thị xã tự chủ 100% về tài chính; 3 trường ở TP Quy Nhơn tự chủ từ năm học 2020 - 2021 trở đi. Vậy dựa trên cơ sở nào để tiếp tục kéo dài lộ trình? Trách nhiệm của các cơ quan thực thi ở đâu?”.
Về vấn đề này, các ĐB đều thống nhất, phải làm quyết liệt, nếu không vẫn sẽ chẳng có thay đổi nào. ĐB Phạm Ngọc Trình (Phù Cát) nói: “Đây là lần thứ 3 điều chỉnh lộ trình. Nếu chúng ta không quyết liệt thực hiện thì sẽ khó thành hiện thực. Để thực hiện hiệu quả, nên có chính sách và cách làm như nhau để tránh sự so sánh”. Còn Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Võ Vinh Quang cho rằng: “Dù có khó cũng phải thực hiện quyết liệt ngay từ đầu và cần có một phương án cụ thể, sát thực tế nhất để triển khai”.
Tính đến tháng 11.2017, 13 trường mầm non trong đề án mới thực hiện tự chủ được 33,3% về tài chính. Trong đó, Trường Mầm non 19.5 (Phù Cát) có tỉ lệ tự chủ tài chính cao nhất (45,7%), thấp nhất là Trường Mầm non huyện Tây Sơn (chỉ đạt 16,3%). Ông Phan Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho rằng: “Các địa phương có trường chuyển đổi chưa thực sự nghiêm túc trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Đề án. Riêng 2 huyện Tây Sơn, Tuy Phước hầu như không triển khai thực hiện”.
ĐB Nguyễn Thanh Trà (Tây Sơn) bức xúc về việc buông lỏng quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Ảnh: HỒNG PHÚC
Cần quản lý chặt tài nguyên
Rất nhiều ĐB đã có ý kiến xung quanh vấn đề này. ĐB Hoàng Phi Long (Hoài Ân) cho biết: “6 tháng đầu năm 2018, tình hình lấn chiếm và phá rừng ở Hoài Ân giảm hẳn nhưng nổi lên chuyện vận chuyển lâm sản trái phép và lâm tặc rất manh động”.
ĐB Nguyễn Thanh Trà (Tây Sơn) và ĐB Phạm Ngọc Trình (Phù Cát) cùng bức xúc về việc quản lý khai thác khoáng sản. “Khai thác cát vô tội vạ khiến người dân bị mất đất sản xuất, hạ tầng giao thông xuống cấp, Nhà nước phải bỏ rất nhiều tiền để sửa chữa. Các ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc khai thác cát ồ ạt cả ngày lẫn đêm vượt giới hạn cho phép”, ông Trà nói.
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh: “Về việc khai thác cát, các ngành, địa phương liên quan cần quản lý chặt, không thể cứ cấp phép xong rồi bỏ ngỏ không giám sát”.
Không thu hút đầu tư bằng mọi giá
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chia sẻ, cái khó nhất hiện nay của tỉnh là thu hút đầu tư các dự án công nghiệp. Lẽ ra, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn, đặc biệt là các dự án năng lượng sạch, tái tạo, nếu không vì vướng giải phóng mặt bằng. Đơn cử như dự án điện gió tại Phù Mỹ gặp trục trặc do dân không đồng tình.
Dù vậy, Chủ tịch UBND tỉnh cũng khẳng định không thu hút đầu tư bằng mọi giá. “Như việc đóng cửa Công ty CP Đường Bình Định, tỉnh cũng trăn trở rất nhiều. Công ty này từng đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh, nhưng nếu đã làm ảnh hưởng đến môi trường thì có đóng góp 1.000 tỉ đồng cũng phải cắt”, ông Dũng nói.
Nỗ lực hoàn thành 3 công trình giao thông lớn
Tiến độ thi công QL 19 đoạn từ QL 1A đến Cảng Quy Nhơn tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm của các ÐB trong phiên thảo luận tổ. Là Bí thư Huyện ủy Tuy Phước, ÐB Mai Văn Ngọc rất trăn trở trước những ảnh hưởng của việc thi công chậm đến đời sống, sản xuất của người dân.
Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HÐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng nói rõ, công trình này không phải dừng mà chậm tiến độ do khó khăn về nguồn vốn. Hiện tại, vốn đối ứng của tỉnh đã đảm bảo, song vốn từ Trung ương còn thiếu hơn 2.000 tỉ đồng. “Tỉnh đã rất nỗ lực để tháo gỡ khó khăn và sẽ cố gắng hoàn thành công trình này, cùng với đường từ Canh Vinh (Vân Canh) về Quy Nhơn và đường trục Khu Kinh tế Nhơn Hội từ Cát Tiến (Phù Cát) đến sân bay Phù Cát ngay trong nhiệm kỳ này”, ông Tùng thông tin thêm.
VIỆC FLC ĐƯỢC LÀM DỰ ÁN Ở CÙ LAO XANH:
Bộ Quốc phòng có văn bản đồng ý
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 18.7, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HÐND tỉnh Huỳnh Thúy Vân bày tỏ sự quan tâm đến việc UBND tỉnh cho Công ty TNHH Ðầu tư và Phát triển FLC Faros Bình Ðịnh xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái FLC Cù Lao Xanh tại xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn). Bà Vân cho rằng, Nhơn Châu là xã đảo tiền tiêu, có vị trí quan trọng về quốc phòng; đề nghị UBND tỉnh xem xét kỹ.
Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HÐND tỉnh Nguyễn Thanh Tùng cho hay, trước khi tỉnh đồng ý cho triển khai dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và biệt thự sinh thái FLC Cù Lao Xanh, Bộ Quốc phòng cũng đã có văn bản đồng ý về mặt chủ trương chứ không phải tỉnh tự ý làm.
TỔ PV XD ÐẢNG - NỘI CHÍNH