Luật An ninh mạng: Không hạn chế quyền tự do ngôn luận
Ðó là khẳng định của Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha về Luật An ninh mạng, vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2019. Ông Kha cũng cung cấp thêm các thông tin xung quanh dự án luật đang được dư luận xã hội quan tâm.
Công cụ bảo vệ các tổ chức, người dân
* Ở góc độ của cơ quan quản lý ngành TT&TT với các hoạt động liên quan đến an toàn, an ninh mạng (ANM), ông đánh giá thế nào về sự cần thiết của việc ra đời Luật ANM?
- Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, không gian mạng đang trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin, phát triển kinh tế tri thức. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, máy tính lượng tử, điện toán đám mây, hệ thống dữ liệu lớn, hệ thống dữ liệu nhanh... đã làm không gian mạng thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng. Điều này được dự báo mang lại lợi ích chưa từng có, nhưng cũng xuất hiện những nguy cơ tiềm ẩn vô cùng lớn. Nhiều quốc gia nhận thức rõ về những mối đe dọa và thách thức mới này nên đã cụ thể hóa thành các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này.
Tại Việt Nam, ứng dụng và phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của đời sống góp phần to lớn đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát huy sức sáng tạo và quyền làm chủ của nhân dân, giữ vững an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, song song đó là những tồn tại, hạn chế về ANM cần khắc phục, như: Các thế lực thù địch, phản động sử dụng không gian mạng để thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”; đăng tải thông tin sai sự thật, mang tính làm nhục, vu khống. Nhiều cuộc tấn công mạng quy mô lớn đe dọa trực tiếp an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước; cũng như sự phụ thuộc thiết bị công nghệ thông tin xuất xứ từ nước ngoài cũng là những mối nguy tiềm tàng...
Thực trạng trên đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng và ban hành văn bản luật về ANM nhằm thiết lập cơ chế pháp lý đầy đủ hơn để bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng; phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, người dân.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, không gian mạng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin, phát triển kinh tế tri thức. Ông Trần Kim Kha khẳng định, việc thông qua Luật ANM không hạn chế quyền tự do ngôn luận của người dân.
* Nhưng, Luật ANM cũng nhận được rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng xã hội, với những ý kiến trái chiều về những “vấn đề” được quy định trong nội dung luật?
- Luật ANM tập trung vào một số quy định cấm để cơ quan, tổ chức, cá nhân biết pháp luật quy định các hành vi không được làm; bảo vệ hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; các biện pháp phòng, chống khủng bố mạng, tấn công mạng, gián điệp mạng, sự cố mạng.
Có thể khẳng định rằng, dự án Luật ANM đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, được đa số đại biểu Quốc hội tán thành; nhưng đây là đạo luật có quy định về phòng ngừa, đấu tranh, xử lý trực tiếp các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia trên không gian mạng nên còn những ý kiến băn khoăn về nội dung Luật. Một số đối tượng chống đối đã có hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc với những luận điệu như luật “chống lại loài người”, “bịt miệng dân chủ”, “đàn áp bất đồng chính kiến”, “tạo rào cản kinh doanh”, “tăng chi phí cho DN”, “thêm giấy phép con”, “lạm quyền”, “cấm sử dụng mạng xã hội Facebook, Google”...
Đây là những thông tin hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc, với mục đích cản trở hoặc gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ANM.
Người sử dụng mạng có thể tự do bày tỏ chính kiến
* Một trong những ý kiến trái chiều của dư luận về Luật ANM, như ông cũng vừa đề cập đến ở trên, là Luật can thiệp quá sâu, kiểm soát bí mật thông tin cá nhân người dùng, hạn chế quyền tự do ngôn luận trên môi trường mạng...
- Điều 26 về “Bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng” của Luật ANM quy định trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử, hoặc chuyên trang trên mạng xã hội của cơ quan, tổ chức, cá nhân không được cung cấp, đăng tải, truyền, đưa các loại thông tin trên không gian mạng như: thông tin có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thông tin có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin có nội dung làm nhục, vu khống; thông tin có nội dung xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; thông tin có nội dung bịa đặt, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, thiệt hại cho hoạt động KT-XH, khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; thông tin khác có nội dung xâm phạm an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, DN trong nước và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ ANM thuộc Bộ CA khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ANM; lưu nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về ANM trong thời gian theo quy định của Chính phủ...
Như vậy, các quy định nêu trên của Luật ANM không hạn chế quyền tự do ngôn luận. Người sử dụng mạng xã hội hoàn toàn có thể tự do bày tỏ chính kiến, quan điểm của cá nhân, nhưng không được lợi dụng điều đó để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, kích động lôi kéo gây rối, bôi nhọ hay xúc phạm danh dự người khác...
* Một vấn đề gây không ít băn khoăn là làm thế nào để tránh được đánh giá không khách quan, hoặc có thể là quy chụp cho tổ chức, người dân khi đăng tải thông tin, bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội, thưa ông?
- Việc xác định nội dung đăng tải trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật hay không, các cơ quan chuyên môn chịu trách nhiệm thẩm định để đảm bảo tính khách quan, tránh đánh giá cảm tính. Tất nhiên, Luật ANM cũng quy định rất chặt chẽ việc để đảm bảo chống lạm quyền và xác định rõ trách nhiệm của lực lượng có thẩm quyền trong việc sử dụng thông tin cá nhân để phục vụ cho việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đảm bảo ANM.
* Trước nhiều luồng thông tin trên các diễn đàn, mạng xã hội xung quanh Luật ANM, đặt ra vấn đề quan trọng làm thế nào để người dân có được những thông tin kịp thời và tiếp cận đúng bản chất vấn đề của Luật?
- Trong thời gian tới, Sở TT&TT sẽ phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng và quản lý tốt thông tin trên báo chí, mạng viễn thông, mạng xã hội nhằm góp phần bảo đảm thông tin chính xác, đúng đắn, kịp thời để nhân dân hiểu rõ về Luật ANM. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải các thông tin bịa đặt, xuyên tạc, với mục đích cản trở hoặc gây tâm lý hoang mang, nghi ngờ trong quần chúng nhân dân đối với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ANM.
Bên cạnh đó, Sở TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan báo chí của tỉnh tăng cường thực hiện các chuyên đề, chuyên mục, tin, bài viết tuyên truyền về Luật ANM; chỉ đạo hệ thống đài truyền thanh trên địa bàn tỉnh tăng cường thời lượng phát sóng các thông tin tuyên truyền đến người dân...
* Xin cảm ơn ông!
Cảnh giác trước âm mưu lợi dụng kích động
“Tôi mong muốn người dân trong tỉnh nâng cao tinh thần cảnh giác trước các âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, các phần tử cơ hội chính trị nhằm lợi dụng việc ban hành Luật ANM để kích động biểu tình, bạo loạn chống phá Ðảng, Nhà nước ta. Ðặc biệt, cảnh giác để không mắc mưu các phần tử xấu, không bị kích động, xúi giục tham gia tụ tập đông người, tuần hành, hoặc có hành vi quá khích gây mất ANTT, an toàn xã hội, vi phạm pháp luật. Cần chung tay cùng các cơ quan chức năng bảo vệ ANM, xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh, góp phần quan trọng phát triển KT-XH”.
Giám đốc Sở TT&TT TRẦN KIM KHA
MAI HOÀNG (Thực hiện)