Cải thiện chỉ số phát triển Chính phủ điện tử: Lấy sự hài lòng làm thước đo
Kết quả đánh giá, xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử năm 2017 (do Cục Tin học, Bộ TT&TT và Hội Truyền thông số Việt Nam công bố trong tháng 7 này), Bình Ðịnh xếp hạng 26/63 tỉnh, thành trong cả nước, tăng hạng ở 4/6 chỉ số thành phần. Tuy nhiên, đi vào cụ thể vẫn còn nhiều việc cần làm để cải thiện tình hình.
Giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả Sở TN&MT theo mô hình một cửa điện tử hiện đại.
Còn nhiều việc phải làm
Với vị trí 26/63, Giám đốc Sở TT&TT Trần Kim Kha cho rằng, đó là một sự nỗ lực của tỉnh để xây dựng chính phủ điện tử, chính quyền điện tử (CQĐT) trong điều kiện ngân sách đầu tư cho công nghệ thông tin (CNTT) còn hạn chế. Trong đó, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT, hiện đại hóa nền hành chính, đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh.
Trong 6 chỉ số thành phần, 4 chỉ số của Bình Định tăng hạng so với năm trước. Chỉ số ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ tăng 15 bậc, xếp thứ 23. Chỉ số nguồn nhân lực tăng 18 bậc, xếp thứ 25. Chỉ số đánh giá cơ chế, chính sách và các quy định cho ứng dụng CNTT cũng tăng 12 bậc, xếp vị trí 14. Nổi bật là chỉ số đánh giá website/portal của tỉnh xếp hạng 3/63 tỉnh, thành phố, thể hiện sự quan tâm, nỗ lực của tỉnh trong việc cung cấp thông tin đến các tổ chức, người dân, DN. “Người dân, DN là đối tượng chính của ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, được thể hiện cụ thể qua việc tiếp cận các thông tin và dịch vụ công nhanh chóng, kịp thời. Qua đó, góp phần hình thành công dân điện tử, CQĐT”, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng CNTT (Sở TT&TT) cho hay.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh chưa cao, còn khoảng cách lớn với các địa phương trong cả nước. Điều này cũng không nằm ngoài kết quả đánh giá việc thực hiện công tác cải cách hành chính năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 của tỉnh.
Phân tích cụ thể, ông Bình cho rằng, một số địa phương chưa quan tâm trang bị đầy đủ hạ tầng kỹ thuật CNTT để phục vụ triển khai hệ thống văn phòng điện tử, hệ thống tiếp nhận và trả kết quả một cửa hiện đại. Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến gặp nhiều khó khăn; người dân, DN vẫn còn thói quen nộp hồ sơ trực tiếp, ngại tiếp cận các dịch vụ CNTT. “Một bộ phận cán bộ, công chức chưa nhận thức được vai trò của CNTT; vẫn còn tình trạng cán bộ lãnh đạo chưa thật sự quan tâm chỉ đạo, triển khai ứng dụng công nghệ trong công tác chỉ đạo, quản lý điều hành tại đơn vị”, ông Bình thẳng thắn nhận xét.
Để là “cầu nối” chính quyền với người dân
Trước thực trạng này, Sở TT&TT cho biết sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền về những lợi ích của việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến đến các cơ quan, đơn vị và người dân biết, nhằm đẩy mạnh việc triển khai có hiệu quả hệ thống dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Đồng thời, phối hợp Sở Nội vụ tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính; phối hợp Sở KH&CN triển khai tích hợp điện tử hóa để nâng cao hiệu quả trong áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 trong các cơ quan hành chính…
Lãnh đạo Sở TT&TT cho biết cũng đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, xã tăng cường không chỉ số lượng mà quan trọng hơn là chất lượng sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến; ban hành Quy chế vận hành dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về hiện đại hóa nền hành chính công, lấy sự hài lòng của người dân, DN làm thước đo của CQĐT. Có như vậy, CQĐT mới thật sự là “cầu nối” giữa chính quyền với người dân và DN.
Đẩy mạnh cơ chế “một cửa liên thông”
Không phủ nhận việc ứng dụng CNTT thời gian qua đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, “dễ thở” hơn về thủ tục hành chính, nhưng theo ông Nguyễn Văn Học - Chủ tịch Hội Doanh nhân đất Võ, vẫn cần ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề khó khăn cho DN. “Trong đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoặc bãi bỏ các quy định không còn phù hợp, hoặc đang hạn chế hoạt động của DN; xây dựng và thực hiện cơ chế một cửa liên thông về đầu tư. Ðặc biệt, với chỉ số tiếp cận đất đai, cần minh bạch hóa thông tin và đơn giản hóa thủ tục liên thông qua CQÐT để tạo niềm tin cho nhà đầu tư”, ông Học nêu vấn đề.
THU HIỀN