Tính cộng đồng, giá trị xã hội cốt lõi của bài chòi
Nghệ thuật bài chòi đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Một loại nghệ thuật diễn xướng dân gian có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, có giá trị liên kết, củng cố các mối quan hệ xã hội.
Có rất nhiều nhà nghiên cứu đã đi sâu nghiên cứu theo hướng xem bài chòi như là một loại hình nghệ thuật, tìm hiểu các yếu tố cấu thành bài chòi như hệ thống câu thai, các làn điệu đặc thù của bài chòi, âm nhạc trong bài chòi…Tuy nhiên, giá trị xã hội của bài chòi là yếu tố cần được lưu tâm bảo tồn và phát huy.
Hội đánh bài chòi trong dịp Tết Nguyên đán năm nay sôi nổi và thu hút nhiều du khách hơn mọi năm.
- Trong ảnh: Hội đánh bài chòi ở Chợ Gò (Tuy Phước) vào Mùng 1 Tết. Ảnh: THẢO KHUY
Ở bài chòi, ta thấy rất rõ rằng, cộng đồng vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là người tham gia, thưởng thức sinh hoạt văn hóa đó. Tính cộng đồng đã cung cấp ý nghĩa và quy định chức năng xã hội của hội đánh bài chòi. Hội đánh bài chòi diễn ra trong không gian “đầy hứng khởi”, ai cũng có thể tham gia, không phân biệt già trẻ, trai, gái, địa vị xã hội, tất cả được liên kết bởi trò vui (đánh bài), các trò diễn và lời hô (câu thai), các làn điệu (Xàng xê, Xuân nữ, Hò Quảng, Cổ bản…)…
Diễn ra như thế, tự bản thân hội bài chòi chứa trong nó giá trị xã hội liên kết mọi người lại với nhau, đó là sự công bằng, không phân biệt đối xử. Người dự khán ai cũng cảm nhận được giá trị này. Từ đó, những mâu thuẫn, rạn nứt, đố kỵ… phát sinh trong quan hệ hàng ngày được lắng dịu một phần, cũng có khi được xóa bỏ. Sự cố kết cộng đồng - xã hội được tái xác định và qua đó, hội đánh bài chòi thực hiện chức năng xã hội của nó là tổ hợp những mối liên hệ xã hội, các cá nhân lại với nhau, đảm bảo được sự cân bằng, bền vững các mối quan hệ cộng đồng, từ đó góp phần duy trì trật tự xã hội.
Ngày nay, sự chuyển đổi hệ giá trị xã hội chứa đựng nhiều mầm mống có thể dẫn đến sự bất ổn xã hội Hoàn toàn không phải là “ngoại giao” mà ngược lại, rất nghiêm túc và giàu chất chuyên môn, ông Michael Croft, đại diện UNESCO tại Việt Nam nhận định: “Thế giới đang chuyển mình một cách nhanh chóng. Con người rất dễ cảm thấy lạc lõng và bối rối trước những thay đổi chóng mặt về KT-XH. Trong những thời điểm như vậy, loại hình biểu đạt văn hóa như nghệ thuật bài chòi đã góp phần kết nối, tăng cường sự tương tác và gắn kết xã hội giữa các cá nhân và các nhóm thành viên khác nhau trong cộng đồng. Bài chòi thực sự là loại hình nghệ thuật xã hội xoay quanh mối quan hệ giữa người với người. Tôi cho rằng đó chính là lý do vì sao bài chòi có vị trí đặc biệt quan trọng như vậy trong trái tim của mỗi người miền Trung Việt Nam.”(trích diễn từ tại Lễ đón Bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại).
Bài chòi nhắc nhở chúng ta về những yếu tố quan trọng vĩnh cửu trong cuộc sống, đó là gia đình, bạn bè, ca từ, lời hát và tinh thần hài hước lạc quan vui sống. Giá trị cộng đồng của bài chòi và ý nghĩa xã hội quan trọng của nó cần được quan tâm đặc biệt trong việc bảo tồn, phát huy.
NGÔ HỒNG SƠN