SẮP XẾP ĐỘI NGŨ CÁN BỘ KHÔNG CHUYÊN TRÁCH CẤP XÃ, THÔN:
Hướng đến bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Tại kỳ họp thứ 7 HÐND tỉnh (khóa XII) đã thông qua tờ trình về Ðề án sắp xếp, hoàn thiện chức danh, số lượng và chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và thôn. Ðề án này thực hiện chủ trương đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả để hoàn thiện và nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy Ðảng, chính quyền các cấp trong tình hình mới.
Phát huy năng lực cán bộ
Tính đến tháng 12.2017, toàn tỉnh có 25.458 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách và một số chức danh chuyên ngành khác hưởng phụ cấp ở cấp xã, thôn. Mặc dù đội ngũ cán bộ không chuyên trách đã có nhiều cố gắng trong hoạt động, song qua khảo sát, đánh giá cho thấy, việc bố trí vẫn chưa phù hợp, còn dàn trải. Theo ông Lâm Hải Giang, Giám đốc Sở Nội vụ, sau khi thực hiện sắp xếp, toàn tỉnh giảm tối thiểu 2.161 người, trong đó cấp xã giảm 870 người; thôn, khu phố giảm 1.291 người.
Cán bộ không chuyên trách ở UBND xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn có thể kiêm nhiệm khá tốt nhiều công việc khác nhau.
Đối với huyện Hoài Nhơn, Bí thư Huyện ủy Phạm Trương cho biết: “Huyện có 917 người hoạt động không chuyên trách ở các xã, thị trấn và thôn, làng, tổ dân phố. Khi thực hiện đề án, huyện sẽ sắp xếp, bố trí công việc đúng trình độ đào tạo, tăng cường thực hiện công tác kiêm nhiệm để giảm người, nhằm phát huy tốt vai trò của cán bộ không chuyên trách có tâm huyết và trình độ”.
Trên thực tế, mặc dù hoạt động không chuyên trách nhưng khối lượng công việc và yêu cầu giải quyết công việc của những đối tượng này khá nhiều. Với đề án này, chế độ phụ cấp có phần “dễ thở” hơn là tín hiệu vui cho cán bộ không chuyên trách. Ở khối Đảng, phương án đề xuất cho các chức danh là 1,8, riêng Chủ nhiệm UBKT là 0,4 hệ số mức lương cơ sở. Khối MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội, hệ số mức lương cho các chức danh tăng 0,1 so với mức phụ cấp hiện hưởng. Khối UBND, hệ số mức lương cơ sở tăng từ 0,1 đến 0,6 so với mức phụ cấp hiện hưởng.
Còn nhiều trăn trở
Việc sắp xếp lại con người, nhất là cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn rất cần thiết. Một người nếu làm được nhiều công việc khác nhau thì tính kết nối cao hơn, công việc hoàn thành hiệu quả hơn. Và họ được tăng thêm một phần phụ cấp thì sẽ ổn định được cuộc sống và yên tâm công tác hơn. Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Võ Vinh Quang cho rằng: “Bộ máy thôn, xã khá đông cán bộ. Vì vậy, gom 1 người đảm nhiệm 2 - 3 chức danh, nâng cao mức phụ cấp, thu nhập sẽ đủ để ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, nên chọn vài địa phương làm thí điểm theo hướng bí thư kiêm trưởng thôn; Mặt trận kiêm phó thôn. Hiện nay, các chức danh kiêm nhiệm hưởng 30%/tháng, khi thực hiện đề án, gom chức danh lại, sẽ tăng 50%/tháng/người. Bài toán giảm biên chế, tăng thu nhập có thể thực hiện được một cách gọn gàng. Song, để thực hiện thành công đúng lộ trình, đòi hỏi chúng ta phải kiên quyết hơn”.
Hằng năm, các địa phương tiến hành đánh giá, phân loại, đưa ra khỏi biên chế những người dôi dư, không đáp ứng yêu cầu công việc, không thể tiếp tục bố trí sắp xếp công tác khác và giải quyết chế độ, chính sách cho họ. Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Trần Văn Thọ cho biết một thực trạng: “Hiện nay, rất nhiều cán bộ không chuyên trách ở thôn, xã năng lực yếu, kém như thi rớt đại học được đưa vào làm hợp đồng ở xã, rồi đưa vào diện quy hoạch cán bộ, cử đi học đại học, Nhà nước phải hỗ trợ. Chưa kể, có nhiều cán bộ không chuyên trách là người nhà của lãnh đạo địa phương... nên nếu không kiên quyết trong việc đánh giá, phân loại thì việc tinh gọn bộ máy đúng người đúng việc khó thực hiện”.
Theo lộ trình của Ðề án, từ 1.1 đến 31.12.2019 thực hiện thí điểm ít nhất 30% đơn vị hành chính cấp xã; từ 1.1.2020 thực hiện đối với các đơn vị hành chính cấp xã còn lại. Ðể triển khai thực hiện tốt, cấp ủy và người đứng đầu địa phương phải phát huy trí tuệ tập thể, trách nhiệm tập thể và vai trò cá nhân trong lãnh đạo, điều hành; nắm vững, thực hiện nội dung của đề án sát thực tế, phù hợp với điều kiện cụ thể của mình.
HẢI YẾN