Ðôi điều góp ý về việc dạy và học môn Lịch sử
Nhiều năm trở lại đây, điểm thi môn Lịch sử tại kỳ thi THPT quốc gia là vấn đề được dư luận quan tâm. Và năm nay, có thể nói mối quan tâm này đã biến thành một âu lo lớn.
Trên bình diện cả nước, thống kê điểm môn Lịch sử kỳ thi THPT năm nay khiến nhiều người bàng hoàng. Số thí sinh có điểm môn thi này dưới trung bình là 468.628, chiếm 83,24% tổng số thí sinh. Trong đó có tới 527 thí sinh bị 0 điểm. Điểm trung bình của cả nước chỉ là 3,79. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3,25 điểm. Tự những con số này đã nói lên thực trạng dạy và học môn Lịch sử đang ... “có vấn đề”.
Tình trạng này, theo nhiều phía, kể cả chính các em, có lắm lý do: kiến thức môn Lịch sử nhiều, khó nhớ; đây là môn phụ nên không được đầu tư đúng mức; đa số thí sinh chọn môn học này để thi lấy điểm tốt nghiệp nên không tập trung ôn bài; học sinh thường chủ quan với môn học này nên khi đề khó hơn mọi năm, kết quả thấp đột biến…
Có rất nhiều chuyện để thảo luận quanh những con số kể trên, nhưng ở đây tôi chỉ xin góp ý về cách làm sao để cải thiện phổ điểm môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia các năm sau. Tôi nghĩ, trước hết cần gạt bỏ tâm lý cho rằng đây là môn phụ thì mới đầu tư học đúng mức. Các em nên tôn trọng, biết rõ rằng không kiến thức nào là không quan trọng dù là Toán, Anh… hay Sử, Địa... Phải làm tốt công tác tư vấn để các em học sinh xác định ngay từ lớp 10 chọn ban nào để sớm đầu tư. Vì, đề thi sẽ gồm kiến thức nguyên 3 năm học.
Sinh thời, GS, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê (1934 - 2018), người 25 năm giữ cương vị Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đau đớn mà nói rằng: “Lịch sử là môn học bị coi thường nhất trong các trường phổ thông”. Bởi vậy, muốn để giới trẻ không quay lưng với môn Lịch sử, phải thay đổi từ “gốc” đến “ngọn”.
Cần tạo dựng sự nhận thức đúng đắn cho các em học sinh về vị trí, vai trò của môn Lịch sử đối với sự phát triển của xã hội. Một xã hội văn minh đến đâu nhưng không có sự phát triển hài hòa về văn hóa sẽ là một xã hội phát triển khập khiễng. “Ôn cố tri tân”, vốn hiểu biết lịch sử là “chìa khóa” quan trọng để mở cánh cửa tương lai.
Cần thay đổi phương pháp dạy học, đổi mới sách giáo khoa, tăng cường hoạt động học tập kiến thức lịch sử với các hình thức như tổ chức tour du lịch về nguồn, làm phim về sử Việt... Tuy nhiên, chỉ nên thực hiện vấn đề “ngọn” này sau khi giải quyết xong vấn đề “gốc”. Đó là, vị trí, vai trò xã hội của môn Lịch sử và vấn đề việc làm của người theo học ngành Lịch sử.
NGUYỄN VĂN TOÀN