Về một hình vị “chung”
Trong giao tiếp hằng ngày, ta thường gặp nhiều từ có cùng yếu tố “chung” như chung kết, chung thủy, lâm chung, chung cuộc, chung khảo… Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu chính xác về chúng và dùng đúng. Vấn đề nằm ở hình vị “chung”.
Trong tiếng Việt, có các hình vị “chung” sau: 1. Chén uống rượu (từ cũ, như chung rượu); 2. Liên quan đến tất cả (như quy luật chung, quyền lợi chung), có tính chất bao quát (như nói chung, chung chung), cùng có với nhau (như chung sức, ở chung phòng); 3. Chuông (như đại hồng chung) và 4. “Chung” trong những từ vừa dẫn trên.
Chữ chung với nghĩa thứ 4 (tạm gọi là chung 4) là một hình vị gốc Hán, tự dạng gồm bộ mịch bên trái và chữ đông bên phải, có các nét nghĩa: “hết, trọn, sau cùng”… Trái nghĩa với chung là thủy (bộ nữ + chữ thai) có nghĩa “đầu tiên, trước hết”. Cho nên, ta có hai từ ghép đẳng lập tương đương là chung thủy và thủy chung đều có nghĩa gốc là “đầu tiên và cuối cùng”, về sau chuyển nghĩa thành “tình cảm gắn bó, trước sau một lòng”. Thành ngữ thủy chung như nhất (trước sau như một) cũng bắt nguồn từ hai chữ thủy và chung này.
Khi vào tiếng Việt, chung 4 không thành từ được. Nó chỉ là một hình vị phụ thuộc, không thể hoạt động tự do như từ mà phải kết hợp với các hình vị khác. Khi tham gia tạo tự, nó quy định nét nghĩa “sau cùng, cuối cùng”. Chẳng hạn, lâm chung có nghĩa là “đến lúc cuối cùng”, tức gần chết, gần qua đời; chung khảo có nghĩa “kỳ thi để chọn lại lần cuối cùng những người đã qua các kỳ thi trước”; chung quy biểu thị ý nghĩa “quy cho đến cùng”; chung thân có nghĩa “cho đến cuối cùng của đời người”, tức là cho đến hết đời; chung thẩm có nghĩa “[tòa án] quyết định lần cuối cùng về một vụ án làm cho bản án có hiệu lực pháp luật, sau đó đương sự không được kháng, chống án nữa” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.193 và 194); cáo chung có nghĩa là “nói cho biết là đã đến lúc cuối cùng”, tức đã kết thúc; chung kết nghĩa là “cuối cùng và kết thúc”, về sau hoán dụ thu hẹp chỉ “vòng thi đấu cuối cùng để chọn ra đội/người vô địch”…
Ngoài hình vị chung, trong tiếng Việt còn có rốt cũng mang nét nghĩa “sau cùng”. Có điều, khác chung, rốt là một hình vị tự do, có thể hoạt động như từ. Nên ta có, đứa con rốt nghĩa là “đứa con cuối”, tức con út; sau rốt tức là “sau cùng”. Hai hình vị này tương đương nghĩa nên ta có rốt cục (rốt cuộc) và chung cục (chung cuộc) có nghĩa tương đương.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ