Người phát triển nghề làm bánh truyền thống
Ngày nay không còn nhiều gia đình tự làm các loại bánh truyền thống, như: bánh ít, bánh hồng, bánh đậu xanh, đậu đen… Nhưng như vậy không có nghĩa là nhu cầu bánh truyền thống không còn nữa. Nó còn được đáp ứng bởi những người thợ lành nghề. Chị Bùi Thị Thỏa (37 tuổi, ở thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, ảnh) là một người như vậy.
Quê gốc của chị Thỏa ở huyện Tây Sơn, năm 2005, sau khi xây dựng gia đình, chị theo chồng chuyển về thôn Xuân Phương lập nghiệp với công việc là nhân viên kế toán tại một DN và buôn bán nhỏ.
Đến năm 2008 sau khi sinh con đầu lòng, chị Thỏa kế nghiệp mẹ chồng bắt đầu sản xuất các loại bánh làm từ gạo nếp: bánh ít, bánh hồng và bánh chưng… đáp ứng nhu cầu bà con trong vùng mỗi khi nhà họ có đám giỗ, đám tiệc hoặc đem bán ở chợ Phước Sơn, Nhơn Lý (TP Quy Nhơn).
Bên cạnh những chiếc bánh với công thức gia truyền từ mẹ chồng, chị Thỏa nghiên cứu, tìm tòi cho ra thêm nhiều loại nhân bánh đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, chị đã đầu tư hơn 40 triệu đồng để mua sắm các loại máy móc, như: máy xay bột, máy ép bột, máy bào dừa và máy nướng bánh… để dễ nâng cấp chất lượng bánh, mở rộng quy mô sản xuất. Nhờ đầu tư thiết bị, máy móc bài bản, thời gian bảo quản các loại bánh thủ công được nâng lên so với trước, ví dụ thời gian bảo quản bánh nướng của chị từ 3 ngày đã lên đến 9 ngày.
Nhờ chịu khó đầu tư suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo, bánh của chị Thỏa đã có mặt tại một số điểm du lịch ở nội thành Quy Nhơn, FLC Nhơn Lý… Đến nay mối hàng của chị đã đa dạng, phong phú trên nhiều lĩnh vực. Hiện nay, mỗi ngày chị làm từ 2.000 đến 3.000 chiếc bánh các loại.
Chị Thỏa chia sẻ: “Uy tín sản phẩm thủ công gia truyền của mình thật ra đã được mẹ mình tạo dựng từ nhiều năm trước. Khi tiếp nối, mình giữ ổn định và đầu tư sản xuất, nâng cấp, mở rộng phạm vi bán hàng. Càng phát triển mình lại ưu tiên giữ gìn chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, chữ “tín” được xem là tài sản quan trọng nhất!”.
Từ sản xuất, kinh doanh các loại bánh truyền thống, gia đình chị có thu nhập mỗi năm gần 200 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 3 lao động nữ với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Bà Đỗ Thị Ái Nhân, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Sơn, nhận xét: “Chị Thỏa là một tấm gương điển hình trong phong trào phụ nữ phát triển kinh tế của xã và cũng là hội viên năng nổ trong các phong trào đoàn thể của hội, luôn quan tâm giúp đỡ các chị em có hoàn cảnh khó khăn tìm tòi học hỏi các mô hình phát triển kinh tế ổn định cuộc sống”.
XUÂN VINH