Tình trạng thiếu bác sĩ ở các cơ sở y tế: Trầm trọng!
Mặc dù tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, nhưng việc thu hút bác sĩ về công tác tại các cơ sở y tế không đạt được kết quả như mong muốn. Ðiều này khiến nhiều TTYT, bệnh viện luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu bác sĩ.
Hiện số bác sĩ của Bình Định chỉ mới đạt 6 người/10.000 dân, như vậy còn thiếu tới hơn 300 bác sĩ mới đạt được 8 người/10.000 dân. Tình trạng thiếu bác sĩ tập trung ở các bệnh viện chuyên khoa như: lao và bệnh phổi, tâm thần, phục hồi chức năng, giám định y khoa, pháp y (những đơn vị này nhiều năm không có bác sĩ về làm việc); các TTYT tuyến huyện như: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn.
Một số TTYT, bệnh viện tuyến huyện cần bổ sung nhiều bác sĩ có kinh nghiệm hoặc trình độ chuyên môn cao.
- Trong ảnh: Phẫu thuật khớp gối bằng nội soi ở BVĐK tỉnh.
Khó như… tuyển bác sĩ!
Trong một cuộc họp mới đây, bác sĩ CKII Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, đưa ra “cảnh báo”, khi chỉ trong một thời gian ngắn đã có 10 bác sĩ trẻ nghỉ việc. Trong khi đó, hầu hết các TTYT, bệnh viện trên địa bàn tỉnh đang còn dư chỉ tiêu bác sĩ, nhưng nhiều năm qua chưa thể bổ sung đủ. “Các bác sĩ nghỉ việc gần đây là một số bác sĩ trẻ hệ y tế dự phòng, y học cổ truyền, đa khoa, chủ yếu là người từ các tỉnh khác về. Nguyên nhân có lẽ ở thu nhập, do họ phải chi trả nhiều khoản liên quan đến thuê nhà, ăn uống, sinh hoạt trong khi nhận mức lương thấp. Trong khi đó, các bệnh viện lớn như ở TP Hồ Chí Minh lại có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn. Nhiều tỉnh, thành khác cũng đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn bác sĩ, và họ đưa ra nhiều biện pháp, chính sách để thu hút nhân lực” - bác sĩ Hùng thông tin thêm.
TTYT huyện Phù Cát hiện có 26 bác sĩ, vẫn còn thiếu 13 chỉ tiêu, nhưng có lẽ còn rất lâu mới được “lấp đầy”. Bởi trong 2 năm 2016 và 2017 cũng chỉ tuyển thêm được 3 người ở các chuyên môn: y học dự phòng, y học cổ truyền và đa khoa. Bác sĩ Võ Văn Chí, Giám đốc TTYT huyện Phù Cát, cười buồn: “Giờ chỉ còn biết trông chờ vào một số con em người Phù Cát học ngành y quay về phục vụ địa phương, chứ tuyển bác sĩ ở nơi khác về khó quá”.
Với một TTYT huyện miền núi như Vân Canh, số lượng bệnh nhân đến khám, điều trị không quá đông, trung bình chỉ khoảng 90 - 100 bệnh nhân/ngày (chưa tính điều trị nội trú khoảng 60 bệnh nhân), mặt khác nhờ cả 7 trạm y tế xã đều đã có bác sĩ, nên với 20 bác sĩ hiện có, TTYT huyện được cho là không chịu quá nhiều áp lực. Tuy vậy, bác sĩ Lang Đình Bính, Giám đốc TTYT huyện Vân Canh, cho rằng: “Chúng tôi vẫn cần có thêm các bác sĩ CKI, thạc sĩ, nhất là có chuyên môn về sản, gây mê hồi sức…, để nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân. Nhưng đến nay vẫn chưa bổ sung đủ phần nhân lực còn thiếu này”.
Cần thêm giải pháp thu hút
Bác sĩ Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, cho biết: Năm nay Bệnh viện chúng tôi được tăng thêm 10 giường (tổng cộng 160 giường), nhưng số bệnh nhân thực tế thường xuyên ở mức 300- 350 người, đó là chưa kể bệnh nhân ngoại trú khoảng 900 - 1.000 lượt khám/ngày. Tuy vậy, quy định không cho phép chúng tôi hợp đồng thêm nên rất khó khăn trong việc phục vụ bệnh nhân. Hiện TTYT thị xã có 37 bác sĩ, đang đăng ký với Sở Y tế tuyển thêm 12 bác sĩ, nhưng gần 2 năm qua vẫn chưa có ai.
Để giải quyết lượng bệnh nhân khá lớn, hầu hết y bác sĩ ở các cơ sở y tế phải “gồng mình” hoặc linh động trong sắp xếp, bố trí công việc. Bác sĩ Lê Thái Bình cho hay: “Mỗi sáng sau khi giao ban, nắm được số lượng bệnh nhân khám tại các khoa, chúng tôi sẽ luân chuyển bác sĩ ở các khoa, phòng (có cùng chuyên môn - NV) để không ai bị quá tải cũng như quá nhàn”.
Quy định mới từ Thông tư số 15/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc đã chính thức có hiệu lực. Điều này càng gây khó cho các cơ sở y tế, khi quy định mỗi bàn khám chỉ được khám không quá 65 lượt bệnh nhân/ngày. Nếu khám đến bệnh nhân thứ 66 thì sẽ chỉ được BHXH thanh toán 50% tiền khám. Đó là chưa kể những ràng buộc khác được tính chung cho từng quý. Điều này buộc các cơ sở y tế phải tăng cường nhân lực phục vụ, nhưng dù tỉnh đã có những chính sách ưu đãi đối với bác sĩ, số người chịu về các cơ sở y tế trong tỉnh chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo bác sĩ Lê Quang Hùng, giải pháp chính cho tình trạng thiếu hụt bác sĩ hiện nay vẫn là tiếp tục mời gọi bác sĩ về công tác tại tỉnh qua các kênh khác nhau: gửi thông tin về nhu cầu và chính sách thu hút, ưu đãi của tỉnh cho các trường đại học y dược; tham gia các ngày hội tuyển dụng việc làm do các trường tổ chức; khuyến khích các đơn vị có chế độ phúc lợi ưu tiên cho bác sĩ; tạo điều kiện cho các bác sĩ trẻ học tập nâng cao trình độ chuyên môn; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện để bác sĩ có cơ hội phát triển chuyên môn... “Tuy nhiên, giải pháp căn cơ có lẽ là phải từ trung ương, như chính sách yêu cầu phân công nhiệm sở trong thời gian ít nhất 5 năm sau khi tốt nghiệp. Có như vậy thì mới giải quyết được hài hòa nhu cầu của cả nước; bởi việc tăng số lượng đào tạo thì có lẽ không mấy khả thi, bởi các trường đều đã hết “công suất”, thậm chí là quá tải” - bác sĩ Hùng phân tích.
LÊ CƯỜNG