Táo bón - nguyên nhân và cách phòng bệnh
Táo bón là trạng thái đại tiện ra phân khô cứng, thời gian đi tiêu lâu hoặc nhiều ngày mới đi tiêu, có thể đi ngoài rất khó và đau và dính theo máu tươi do phân rắn, cọ xát làm tổn thương lớp niêm mạc hậu môn. Táo bón lâu ngày là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bệnh trĩ.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra táo bón, từ thói quen ăn uống đến sinh hoạt, môi trường sống và làm việc. Những người có thói quen hoặc công việc phải đứng hoặc ngồi nhiều giờ liền có nguy cơ mắc bệnh táo bón cao hơn nhiều lần so với những người thường xuyên hoạt động.
Táo bón còn có thể do mất cân bằng nội tiết tố: điều này thường gặp ở phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, mang thai… Hoặc táo bón còn do sử dụng thuốc: các loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc chống trầm cảm, thuốc động kinh, một số loại thuốc bổ sung…rất dễ gây ra táo bón.
Những người có chế độ ăn uống ít chất xơ, có thói quen uống ít nước rất dễ bị táo bón. Việc lạm dụng thuốc kích thích nhuận tràng là một trong những nguyên nhân gây táo bón vì nó khiến người sử dụng thuốc bị lệ thuộc, có nghĩa là chỉ đi tiêu khi được kích thích. Việc lạm dụng loại thuốc này có thể dẫn đến bị tổn thương và gây ra táo bón.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tâm - Khoa Nội trung cao (BVĐK tỉnh) khuyên: Để phòng ngừa táo bón, tránh những phiền phức trong cuộc sống do chứng bệnh này gây ra, ta nên chú trọng đến chế độ ăn uống và lối sống khoa học, thường xuyên vận động, tập thể dục. Nên ăn các thức ăn chứa nhiều chất xơ như các loại rau, củ và hoa quả tươi. Nên uống đủ nước, uống 1,5 - 2 lít/ngày giúp làm cho mềm phân; giảm sử dụng đồ uống có chất kích thích như cà phê, rượu, bia. Luyện tập thể dục đều đặn chính là phương thức hữu hiệu giúp phòng ngừa và điều trị bệnh táo bón. Nên tập thói quen đại tiện đúng giờ giấc, không nên nhịn lâu để đề phòng táo bón do làm rối loạn phản xạ mót rặn. Không nên dùng thuốc nhuận tràng kéo dài quá 8 - 10 ngày bởi việc lạm dụng có thể gây biến chứng cho đường ruột, đặc biệt không giải quyết được gốc rễ của bệnh.
MINH PHƯỢNG