Top 7 kiến trúc hiện đại nhất Đông Nam Á
Với nhiều người, Đông Nam Á gắn liền với các đền chùa cổ kính và nhiều di tích lịch sử. Tuy nhiên, khu vực này còn được biết đến với nhiều tòa kiến trúc hiện đại và độc đáo, trong đó có toà nhà Hei Tower ở thủ đô Hà Nội của chúng ta.
Dưới đây là 7 kiến trúc hiện đại nhất bạn không thể bỏ qua khi tới Đông Nam Á, được đăng tải trên Kompas.com - cổng thông tin lớn nhất của Indonesia.
Tòa nhà Hei Tower, Hà Nội, Việt Nam
Tòa nhà do công ty CMV Architects thiết kế. Đó là một tòa nhà cao tầng được thiết kế theo tiêu chuẩn "Tòa nhà xanh", bao gồm các văn phòng làm việc và trung tâm thương mại tiêu chuẩn quốc tế.
Tòa nhà hỗn hợp này gồm 2 khối tứ diện, với thiết kế nhà kính hiện đại. Nó còn bao gồm một công viên lớn và bao quanh bởi cây cối xanh mát.
Ngôi trường Green School, Bali, Indonesia
Đúng như tên gọi Green School, ngôi trường được bao quanh bởi một không gian cây xanh.
Các phòng học ở Green School được xây dựng hoàn toàn bằng vật liệu sẵn có trong tự nhiên như tre và cỏ, còn tường được xây bằng bùn theo truyền thống của người Indonesia.
Ngôi trường sử dụng năng lượng tái tạo nhờ một hệ thống thủy điện nhỏ và pin năng lượng mặt trời.
Sân bay Suvarnabhumi, Bangkok, Thái Lan
Sân bay Suvarnabhumi do kiến trúc sư nổi tiếng người Mỹ gốc Đức Helmut Jahn thiết kế.
Sân bay có đài không lưu cao nhất thế giới và nhà ga đơn rộng nhất thế giới, với cấu trúc chủ yếu là kính và thép.
Một khu vườn rộng lớn bố trí giữa các nhà ga hành khách, tạo cho mọi người cảm giác gần gũi với thiên nhiên.
Sân bay được thiết kế thích ứng với điều kiện khí hậu nhiệt đới khắc nghiệt ở Thái Lan.
Bảo tàng ArtScience, Singapore
Bảo tàng khoa học nghệ thuật của Singapore là một tòa kiến trúc độc đáo nhất trên thế giới nằm bên trong khu nghỉ mát tích hợp Marina Bay Sands.
Bảo tàng do kiến trúc sư Moshe Safdie thiết kế và còn được gọi bằng một cái tên khác là ''Bàn tay chào đón của Singapore''. Nó có hình dạng 10 ngón tay độc đáo. Mỗi đầu "ngón tay" chứa một bộ lọc, giúp lọc ánh sáng tự nhiên để những hiện vật trưng bày được hiện lên trong ánh sáng phù hợp nhất.
Hình dạng của bảo tàng ArtScience còn được so sánh với một bông hoa sen.
Cầu Henderson Waves, Singapore
Với vật liệu kết hợp từ thép và gỗ, cầu Henderson Wave được xây để nối hai ngọn đồi là Mout Faber và Telok Blagah Hill, là cây cầu đi bộ cao nhất ở Singapore.
Cầu Henderson Waves mô phỏng hình dạng nhấp nhô của một ngọn sóng, uốn lượn và xoắn dọc theo suốt chiều dài 274m của cầu.
Cây cầu là điểm đến yêu thích vào cuối tuần của các cặp đôi, gia đình và người chạy bộ. Vào buổi tối, cây cầu trở nên lung linh nhờ hệ thống đèn LED tại các thanh thép lượn và dưới sàn.
Trung tâm thương mại CT Hub, Singapore
Là một tòa nhà công nghiệp, CT Hub được thiết kế như hình một viên kim cương, với mặt chính là một mô hình phức hình học nhờ sử dụng công nghệ đèn LED.
Nó có một công viên ngoài trời, bổ sung cho nét độc đáo của tòa nhà.
Tòa tháp đôi Petronas, Kuala Lumpur, Malaysia
Tòa tháp do kiến trúc sư người Argentina Cesar Pelli thiết kế. Petronas gồm hai tòa tháp cao nhất thế giới với 88 tầng và cao gần 500m.
Điểm ấn tượng của tháp đôi Petronas là chiếc cầu Skybridge trên không với chiều cao 170m và dài 158m, nằm ngay ở tầng 41 và 42 nối liền hai tòa tháp lại với nhau. Đứng trên chiếc cầu này có thể nhìn thấy phong cảnh thành phố Kuala Lumpur.
Hồng Hà (theo Jakarta Post)