Tuồng không chuyên Bình Định qua hội diễn toàn quốc 2018: Hai vấn đề nổi cộm
Chiếm hơn nửa số đoàn tham gia Hội diễn tuồng không chuyên toàn quốc (lần 2 - 2018) nhưng dấu ấn chuyên môn của Bình Ðịnh được nhận xét là đơn điệu. Bên cạnh đó, trong khi hầu hết địa phương khác có nhiều diễn viên trẻ tiềm năng thì “đất tuồng” không trình làng được một gương mặt mới nào.
Trong tổng số 15 đoàn tham gia Hội diễn tuồng không chuyên toàn quốc vừa qua (từ ngày 6 - 9.7 tại TP Quy Nhơn), Bình Định tham gia 8 đoàn. Và cả 8 đoàn đều chọn tuồng truyền thống.
Dàn diễn viên trẻ trung, đồng đều là điều mà tuồng không chuyên Bình Định đang thiếu.
- Trong ảnh: Một cảnh trong trích đoạn “Lời thề trinh nữ” của đoàn Thanh Hóa.
Theo quy chế, mỗi đoàn có thể diễn 1 - 2 trích đoạn để thể hiện khả năng của mình. Cả 8 đoàn của Bình Định đều chọn diễn 2 trích đoạn, tuy nhiên có đến 15 trích đoạn thuộc thể loại tuồng truyền thống, duy nhất đoàn Sông Kôn có 1 trích đoạn là tuồng lịch sử (trích đoạn “Bùi Đắc Kế dâng gươm” trong vở “Tây Sơn tụ nghĩa”). Vì vậy tuy tham gia nhiều đoàn, nhiều trích đoạn nhất nhưng ấn tượng bao trùm mà tuồng không chuyên Bình Định tạo ra là cảm giác đơn điệu. Đó là chưa kể một số đoàn trùng tuồng như 3 đoàn An Nhơn II, Ngô Mây và Trần Quang Diệu cùng chọn diễn trích đoạn “Đào Tam Xuân loạn trào”; 2 đoàn Nhơn Hưng và Sao Mai cùng diễn “Lão Tạ sai cơ”…
Trong khi ấy, 7 đoàn ngoài tỉnh đa phần chọn tuồng lịch sử và tuồng hiện đại. Điển hình: CLB nghệ thuật tuồng Hoàng Đan (tỉnh Vĩnh Phúc) diễn “Tiếng trống Mê Linh”; CLB nghệ thuật tuồng Tiến Bào (Bắc Ninh) diễn “Dời đô”; CLB nghệ thuật tuồng Đồng Nguyên (Bắc Ninh) diễn “Tình mẹ”; Đoàn nghệ thuật quần chúng tỉnh Thanh Hóa diễn “Lời thề trinh nữ”; CLB tuồng 10.5 (Phú Yên) diễn “Tình yêu và khát vọng”… Điểm chung về nội dung của các trích đoạn tuồng trên là phản ánh, ca ngợi những mốc son lịch sử vẻ vang của dân tộc ta, gương các anh hùng dân tộc, truyền thống yêu nước…
Là những câu chuyện về dân tộc, đất nước Việt Nam, do vậy, bên cạnh ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục, tính chất những trích đoạn tuồng trên cũng gần gũi hơn với khán giả. Bên cạnh đó, đặc điểm tuồng lịch sử, tuồng hiện đại không nặng về tính trình thức, khuôn mẫu mà thiên về khai thác nội dung tư tưởng của tác phẩm, nội tâm nhân vật, tiết tấu nhanh hơn, ngôn ngữ thuần Việt.
Tuồng truyền thống vốn là thế mạnh của tuồng không chuyên Bình Định. Đến với cuộc tranh tài quy mô toàn quốc, cũng là một đợt kiểm tra chuyên môn, nên dễ hiểu và hợp lý khi các đoàn đều chọn sở trường để “ứng thí”. Tuy vậy, tại kỳ hội diễn toàn quốc lần thứ 2 được tổ chức sau hơn 10 năm này, nhiều người kỳ vọng về một sắc thái khác, một sự đổi mới, sáng tạo của tuồng không chuyên Bình Định.
Nhưng, như các giám khảo của Hội diễn nhận xét, tuồng không chuyên Bình Định bao năm qua vẫn dùng đi dùng lại những bổn tuồng cũ (có thể cô đọng, nâng cao lên ít nhiều) và không thấy dàn dựng một vở mới nào.
Cũng qua Hội diễn, một vấn đề rất đáng lo ngại của tuồng không chuyên Bình Định là rất hiếm diễn viên trẻ. Khá nhất là đoàn Nhơn Hưng, 1 trong 2 trích đoạn của đoàn này có 2 diễn viên trẻ tham gia, trong đó 1 vai thứ chính và 1 vai phụ; 2 đoàn Trần Quang Diệu và An Nhơn II cũng có một số diễn viên trẻ nhưng ở vai trò rất phụ (vai quân lính). Trong khi ở các đoàn bạn, các vai chính, thứ chính đa phần do diễn viên trẻ đảm nhận. Tại Hội diễn, xét ở sự đa dạng phong cách, tươi mới, trẻ trung, có thể nói tuồng không chuyên Bình Định thua sút so với các địa phương khác. Nếu thật sự xem Hội diễn là dịp để nhìn nhận và có hướng phát triển, các đoàn tuồng không chuyên trong tỉnh và ngành chức năng nên sớm khắc phục 2 vấn đề nổi cộm trên.
“Bên cạnh tuồng truyền thống, tuồng lịch sử là thế mạnh của tuồng Bình Ðịnh mảng chuyên nghiệp với nguồn lực sẵn có là kịch bản, vở diễn, người dàn dựng, người truyền vai… Ðáng tiếc là mảng không chuyên lại chưa đưa thể loại tuồng này vào hoạt động biểu diễn của mình. Nguyên nhân chính là do chưa được hỗ trợ về mặt tác phẩm và tập huấn. Bình Ðịnh có 9 đoàn tuồng không chuyên, trung bình mỗi đoàn diễn cả trăm suất/năm, thông qua kênh này để đưa tuồng lịch sử đến với dân, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục truyền thống cũng sẽ được nâng cao hơn”.
NSND HÒA BÌNH, thành viên Ban giám khảo Hội diễn
SAO LY