Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Nghiêm túc nhưng không cứng nhắc
Ðó là một trong những vấn đề quan trọng được Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề cập khi làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây về tình hình và kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) và các quy định của Quốc hội, Chính phủ về tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ, công chức.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân ghi nhận và đánh giá cao Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong quá trình chỉ đạo, điều hành, với nhiều kế hoạch, đề án được ban hành, đề ra các giải pháp cụ thể để đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập theo đúng mục tiêu, yêu cầu và lộ trình quy định.
Quá trình tinh giản biên chế vẫn phải đáp ứng yêu cầu “đủ bác sĩ khám bệnh”.
- Trong ảnh: Kiểm tra tình trạng sức khỏe bệnh nhân ở khoa Gây mê hồi sức, BVĐK tỉnh. Ảnh: LÊ CƯỜNG
Tinh giản biên chế: sẽ phân cấp mạnh cho địa phương
Theo thông tin tại buổi làm việc, từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh tinh giản được 142 biên chế công chức, đạt 54,8% kế hoạch đến năm 2018. Đối với biên chế viên chức, đã tinh giản được 1.297 người, đạt 52,9% so với kế hoạch đến năm 2018.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế đã gặp nhiều khó khăn, bất cập. Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, vướng nhất là trong khi các cơ sở điều trị có tình trạng quá tải đến 170 - 180% kéo dài trong nhiều năm thì định mức biên chế quá thấp, cộng với quy định không được sử dụng hợp đồng làm công tác chuyên môn, nhưng chỉ tiêu về bác sĩ trên dân số vẫn phải đảm bảo. “Điều này gây áp lực cho các đơn vị sự nghiệp y tế và là một nghịch lý khó giải quyết”, ông Hùng bày tỏ.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cũng nêu tình trạng tương tự với ngành GD&ĐT. “Trước đây, Bình Định thực hiện rất nghiêm túc quy định về biên chế, đến nay đã ít mà còn phải giảm mạnh nên càng khó. Tỉnh rất mong Bộ Nội vụ xem xét, tính toán lại việc giao chỉ tiêu biên chế sao cho công bằng giữa các địa phương”, Chủ tịch chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, tiến độ tinh giản biên chế của Bình Định còn chậm, đặc biệt là tỉ lệ tinh giản ở các đơn vị sự nghiệp công lập còn thấp hơn mức bình quân của cả nước. Bộ trưởng yêu cầu quá trình tinh giản biên chế phải thực hiện nghiêm túc theo các kết luận của Trung ương Đảng, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và chỉ tiêu do Bộ Nội vụ giao.
“Quá trình thực hiện cần mở rộng đối tượng tinh giản; giảm hồ sơ, thủ tục. Các nghị định, hướng dẫn sắp tới sẽ được sửa đổi theo hướng phân cấp mạnh cho địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh có quyền quyết định, không xin ý kiến ai nữa cả. Làm như thế thì mới đảm bảo tiến độ được. Tuy nhiên, cũng phải linh hoạt, không để thiếu giáo viên dạy học, thiếu bác sĩ khám bệnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sáp nhập đơn vị hành chính: không “cơ học”
Thực hiện Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25.5.2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (ĐVHC), UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai cho các địa phương rà soát, thống kê thực trạng về tiêu chuẩn dân số và diện tích tự nhiên của ĐVHC.
Kết quả, trong 11 ĐVHC cấp huyện, có 5 đơn vị đạt tiêu chuẩn diện tích và dân số; 2 đơn vị đạt 50% tiêu chuẩn trở lên; 4 đơn vị đạt dưới 50% tiêu chuẩn, thuộc diện sắp xếp từ nay đến năm 2021. Trong khi đó, với 159 ĐVHC cấp xã, có 49 đơn vị đạt tiêu chuẩn diện tích và dân số; 53 đơn vị đạt từ 50% tiêu chuẩn trở lên; 57 đơn vị đạt dưới 50% tiêu chuẩn thuộc diện sắp xếp.
Giám đốc Sở Nội vụ Lâm Hải Giang cho hay, thời gian đến, tỉnh sẽ chỉ đạo hợp nhất, sáp nhập các thôn có quy mô nhỏ ở những nơi có điều kiện giao thông thuận lợi, cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu cộng đồng; sắp xếp, tinh gọn hợp lý các ĐVHC cấp xã theo quy định.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng, trong 4 ĐVHC cấp huyện thuộc diện sắp xếp từ nay đến năm 2021, 3 huyện miền núi An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh lần lượt giáp với Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai; là các huyện nghèo, kinh tế khó khăn. Huyện còn lại là Tuy Phước, tuy thiếu “một ít” tiêu chuẩn về diện tích nhưng dân số rất đông, lại nằm giữa TP Quy Nhơn và TX An Nhơn. “Xét theo tiêu chuẩn là phải sắp xếp, nhưng thật sự rất khó sáp nhập. Còn các ĐVHC cấp xã thiếu tiêu chuẩn thì phải nhập thôi”, ông Dũng nói.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh yêu cầu sắp xếp, xây dựng bộ máy hành chính gọn, nhẹ nhưng phải đảm bảo phục vụ tốt người dân. Do đó, để thực hiện sáp nhập hợp lý các ĐVHC, Bộ trưởng cho biết sẽ có lộ trình chung để các địa phương cùng thực hiện. “Không giao cụ thể, cứng nhắc theo tiêu chí diện tích và dân số, mà sẽ có quy định khung theo đặc trưng vùng, miền để các địa phương dễ thực hiện”, Bộ trưởng cho hay.
NGUYỄN VĂN TRANG