Hiểm họa từ chó thả rông
Thời tiết nóng bức là điều kiện thuận lợi khiến chó phát sinh bệnh dại và cắn người, thế nhưng tình trạng nuôi chó thả rông lại đang khá phổ biến, nhất là ở các vùng nông thôn. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, 6 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh có gần 4.000 người bị chó cắn phải đi tiêm vắc-xin phòng dại; tuy nhiên, hiện các loại vắc-xin ngừa dại rất khan hiếm, không đáp ứng nhu cầu của người dân.
Chó thả rông và nhiều hệ lụy
Mỗi ngày, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiếp nhận hàng chục trường hợp bị chó cắn đến tiêm phòng dại. Mới đây, chị Đỗ Thị Cẩm H. (ở phường Lê Lợi, TP Quy Nhơn) phải đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tiêm cả vắc-xin ngừa dại lẫn huyết thanh. Nguyên nhân là cách đó vài ngày, trong lúc chồng chị H. lùi ô tô ra khỏi nhà, do không quan sát kỹ đã cán vào chân của con chó nhà hàng xóm đang nằm trên vỉa hè. Thấy vậy, chị H. ngồi xuống xem con chó có bị gì không thì bị nó táp thẳng vào mặt 3 cái, gây nên vết xước khá sâu. Do vết cắn ở vị trí nguy hiểm nên chị H. phải tiêm huyết thanh để ngăn chặn nguy cơ virus bệnh dại tấn công lên não, dù con chó này đã được nhà hàng xóm tiêm phòng bệnh dại.
Người nuôi chó có thể bị phạt nếu thả chó ngoài đường, nơi công cộng mà không đeo rọ mõm.
Cũng lo sợ bị truyền bệnh dại, bà Nguyễn Thị Th. (65 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Quy Nhơn) vội đến cơ sở y tế để tiêm phòng sau khi bị chó cắn. Theo bà Th., tai nạn xảy ra khi bà đi tập thể dục vào sáng sớm, ngang qua một căn nhà trên đường Tây Sơn, vừa lúc chủ nhà mở cổng thả chó đi vệ sinh. Con chó lao ra ngoài như tên bắn và ngoạm ngay vào chân khiến bà Th. không kịp phản ứng. Bà Th. bức xức: “Sáng sớm tôi thường xuyên đi tập thể dục, chứng kiến chó thả rông ngoài đường rất nhiều, thậm chí có cả những con chó becgie được chủ thả ra ngoài lại không đeo rọ mõm, gây nguy hiểm cho người khác”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Như Sương, Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh), thời gian gần đây số người đến Trung tâm tiêm ngừa bệnh dại do bị chó cắn rất đông, có ngày lên đến 20 - 30 người. Trong số này có người bị chó cắn khá nặng, và phần lớn đều do chó thả rông ngoài đường. Vừa rồi, Trung tâm đã điều trị một số trường hợp bị chó becgie cắn kéo rách cả một phần da đầu hoặc bị cắn gần nát mặt. Những trường hợp này phải tiêm vắc-xin dại và huyết thanh khẩn cấp, thậm chí phải nhỏ huyết thanh trực tiếp vào vết thương. Bởi những vết cắn nằm ở vị trí nguy hiểm, nơi tập trung nhiều dây thần kinh như: đầu, mặt, cổ, đầu ngón tay, ngón chân, bộ phận sinh dục… thì thời gian virus dại tấn công lên não nhanh hơn so với ở những vị trí khác.
+ Người dân ở TP Quy Nhơn đưa chó đến cơ sở y tế tiêm vắc-xin phòng bệnh dại.
Chủ nuôi cần có trách nhiệm
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT), pháp luật không cấm các hộ nuôi chó, tuy nhiên có quy định về trách nhiệm của người nuôi chó. Tại Điều 7 của Nghị định 90/2017/NĐ-CP ngày 31.7.2017 của Chính phủ về xử phạt trong lĩnh vực thú y, quy định phạt từ 600 - 800 ngàn đồng đối với một trong các hành vi sau: Không tiêm phòng vắc-xin phòng bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng. Nghị định còn quy định, ngành thú y phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp quản lý, kiểm tra việc tiêm phòng bệnh dại chó, đồng thời xử phạt các hành vi để chó chạy rông cắn người, gây tai nạn.
Mặc dù quy định là vậy, nhưng rất khó thực hiện bởi không phải người dân nào khi nuôi chó cũng có ý thức chấp hành. Ngay cả việc tiêm phòng dại cho chó để bảo vệ chính mình và mọi người, nhiều hộ nuôi chó cũng không thực hiện.
Theo ông Quốc, tổng đàn chó toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 200 ngàn con. Từ đầu năm 2018 đến nay, tại các địa phương trong tỉnh chỉ có khoảng 1.500 con chó được đưa đi tiêm phòng ngừa dại, tỉ lệ như vậy là quá thấp. Thời gian đến, Chi cục Chăn nuôi & Thú y tỉnh sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân tiêm vắc-xin phòng dại cho chó nhằm hạn chế mầm bệnh lây lan trong cộng đồng, gây ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe người dân.
Còn thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, khuyến cáo: “Thời tiết nắng nóng sẽ làm tăng nguy cơ chó phát dại và cắn người. Vì thế, cách phòng ngừa tốt nhất là không để chó cắn. Nếu đã bị chó cắn nên rửa nhanh vết thương dưới vòi nước chảy, sau đó đến cơ sở y tế để được tư vấn. Thời gian ủ bệnh sau khi bị chó cắn tùy thuộc vào từng người, nhưng tốt nhất là đi tiêm vắc-xin phòng dại trong vòng 15 ngày. Đối với những vị trí chó cắn nguy hiểm, cần đi tiêm phòng sớm hơn”.
VĂN LƯU