“Liệt sĩ” là ai?
Hầu như ai cũng biết, “liệt sĩ” là “người đã hy sinh vì nước vì dân trong khi làm nhiệm vụ” (Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên, 1992, tr.565). Tuy nhiên, nhiều người không hiểu hình vị “liệt” trong từ này có nghĩa là gì. Thậm chí, có người cho rằng, “liệt” ở đây có nghĩa là “chết” và “liệt sĩ” là những nghĩa sĩ… đã chết.
Thật ra, “liệt” không hề mang nghĩa “chết”. Trong tiếng Hán có nhiều chữ “liệt”. “Liệt” trong “liệt sĩ” thuộc bộ hỏa (lửa), nghĩa gốc là “cháy mạnh”, sau đó phái sinh nhiều nét nghĩa khác nhau, trong đó có nét nghĩa “mạnh mẽ, cứng cỏi, cương trực, hy sinh vì chính nghĩa”. Chẳng hạn, “liệt nữ” là “người con gái đoan chính, chết vì bảo vệ tiết nghĩa”. Từ nét nghĩa trên, “liệt” lại được hoán dụ chỉ “người có tính mạnh mẽ, cứng cỏi, cương trực, hy sinh vì chính nghĩa, không chịu khuất phục”. Ví như, “tiên liệt” là “những tiền bối chết vì chính nghĩa”.
Vậy thì, “liệt sĩ” nghĩa là gì? Dĩ nhiên, “liệt sĩ” là những “sĩ” cương trực, chết vì nước, không chịu khuất phục. Vậy còn “sĩ” là ai? “Sĩ” cũng là một yếu tố gốc Hán, có nhiều nghĩa, trong đó, có các nét nghĩa tiêu biểu sau: 1. Học trò, người có học vấn (trong sĩ nông công thương); 2. “Tiếng tôn xưng người có phẩm hạnh hoặc tài nghệ riêng” (như trong dũng sĩ, nhân sĩ, bác sĩ, nhạc sĩ); 3. Binh lính (như trong chiến sĩ, binh sĩ). Nhưng “sĩ” trong “liệt sĩ” không phải là học trò, cũng không phải là binh lính. “Sĩ” ở đây là tiếng tôn xưng đối với những người có đức hạnh lớn. Cụ Đồ Chiểu gọi người nông dân Cần Giuộc là “nghĩa sĩ” với nét nghĩa này. Vì trên thực tế, những người Cần Giuộc đánh Pháp năm xưa không phải là binh lính, cũng chẳng phải là học trò. Họ “chẳng qua là dân ấp, dân làng, mến nghĩa làm quân chiêu mộ” mà thôi.
Những người hy sinh vì chính nghĩa, chết vì nước được gọi là “sĩ” vì đức hạnh của họ lớn. Cho nên, có thể hiểu, “liệt sĩ” là những “nghĩa sĩ chết vì nước”. Trở lại cách giảng giải của Từ điển tiếng Việt (sđd), tôi cho rằng, các soạn giả đã giảng đúng. Tuy nhiên, cách giảng ấy vừa có phần thu hẹp ngoại diên của khái niệm, vừa làm giảm đi sắc thái trang trọng của từ. Vì ta có thể đặt câu hỏi, vậy “những người hy sinh vì nước vì dân” nhưng nếu không “đang làm nhiệm vụ”chẳng lẽ lại không đáng được tôn vinh là “liệt sĩ”? Thiết nghĩ, chỉ cần giảng “liệt sĩ” là “người đã hy sinh vì nước vì dân” là gọn gàng, đầy đủ, súc tích và trang trọng.
ThS. PHẠM TUẤN VŨ
Cảm ơn tác giả đã có bài viết hay, cung cấp thêm cho người đọc kiến thức cho người đọc!