Trồng rừng phòng hộ, cảnh quan ở khu vực hồ Định Bình:
Hiệu quả thiết thực
Qua 4 năm thực hiện kế hoạch của Huyện ủy và HĐND huyện Vĩnh Thạnh về việc trồng và chăm sóc rừng phòng hộ, cảnh quan ven tuyến đường hồ chứa nước Định Bình, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Vĩnh Thạnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng độ che phủ rừng, duy trì được nguồn nước phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần cải thiện môi trường sinh thái....
Ông Đoàn Siêng, Giám đốc BQLRPH huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Khu vực ven tuyến đường hồ Định Bình thích nghi với nhiều loại cây bản địa, đơn vị đã dùng nhiều nguồn vốn để đầu tư trồng rừng. Năm 2012, BQLRPH huyện Vĩnh Thạnh tiếp tục đầu tư hơn 320 triệu đồng để trồng rừng phòng hộ với diện tích hơn 10 ha, gồm keo lai và sao đen, mật độ trồng 1.500 cây/ha. Nhờ chăm sóc chu đáo, tỉ lệ cây sống đạt 95%, nâng tổng diện tích rừng phòng hộ do BQLRPH Vĩnh Thạnh quản lý lên hơn 953 ha, đa số là rừng trồng các loài cây bản địa phục vụ phòng hộ bền vững, như sao đen, dầu rái, thông Caribê...
Đến nay, số diện tích này sinh trưởng và phát triển tốt. Đơn vị còn tỉa thưa cây phụ trợ để mở rộng không gian ánh sáng tạo điều kiện cho cây bản địa phát triển. Hiệu quả thấy rõ nhất là mô hình trồng cây thông Caribê, diện tích 4,38 ha tại tiểu khu 169, xã Vĩnh Hảo, sau khi tỉa thưa toàn bộ cây phụ trợ là keo lai, khoảng 2 tháng sau cây thông phát triển vượt trội so với thời điểm trước khi keo lai chưa được tỉa thưa. Trong năm 2012, BQLRPH Vĩnh Thạnh cũng đã thực hiện chăm sóc hơn 431 ha rừng với tổng kinh phí hơn 1,7 tỉ đồng. Trong đó, rừng trồng trong thời kỳ xây dựng cơ bản gần 255 ha; chăm sóc rừng trồng thay thế nương rẫy 3,4 ha, rừng trồng phòng hộ hết thời kỳ chăm sóc kiến thiết cơ bản 176 ha.
Theo kỹ sư Trần Phước Phi, cán bộ của BQLRPH huyện Vĩnh Thạnh: Theo quy trình được UBND tỉnh phê duyệt, rừng sau khi trồng được tiếp tục chăm sóc 3 năm tiếp theo là kết thúc thời kỳ chăm sóc kiến thiết cơ bản. Nhưng trên thực tế, cây bản địa phát triển chậm, đến năm thứ năm, thứ sáu vẫn còn thấp, thực bì cạnh tranh lấn át và dây leo bám vào cây trồng, ảnh hưởng đến việc sinh trưởng, phát triển của rừng trồng. Trong thời gian đến, Sở NN-PTNT phê duyệt quy trình bổ sung cho tiếp tục chăm sóc rừng cây bản địa thêm 1 - 2 năm nữa, phát thực bì mỗi năm một lần thì cây sẽ phát triển tốt hơn.
Theo BQLRPH huyện Vĩnh Thạnh, tình hình rừng trồng đến thời điểm năm 2012 cơ bản đạt yêu cầu theo quy trình, rừng sinh trưởng, phát triển tốt, đáp ứng chức năng phòng hộ bền vững, đặc biệt cây sao đen sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện lập địa tại địa phương. Đến nay, cơ bản đã phủ xanh đất trống đồi núi trọc trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, đặc biệt trên lưu vực hồ Định Bình, khắc phục tình trạng suy thoái của rừng, cải thiện môi trường sinh thái, phát huy chức năng của rừng về phòng hộ, môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, cung cấp, điều tiết nguồn nước, điều tiết dòng chảy, giảm tác hại của mưa bão, hạn hán, ngăn chặn xói mòn, rửa trôi đất. Trong tương lai tạo được lá chắn phòng hộ bền vững cho các hồ đập thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là hồ thủy lợi Định Bình, góp phần tăng độ che phủ rừng và hình thành khu du lịch sinh thái trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.
Ông Nguyễn Thế Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, nhận xét: “Qua kiểm tra cho thấy, sau 4 năm thực hiện trồng rừng phòng hộ gắn với rừng cảnh quan sinh thái của BQLRPH Vĩnh Thạnh, các loại cây bản địa được trồng như sao đen, thông Caribê sinh trưởng khá tốt, đạt yêu cầu. Đây là thành công bước đầu đáng phấn khởi và cần phát huy hơn nữa”.
LONG VŨ