Liên tiếp sai phạm điểm thi có ảnh hưởng đến việc xét tuyển đại học?
Sau các sai phạm điểm thi, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương rà soát lại điểm thi cả nước, nhiều thí sinh lo lắng việc xét tuyển đại học sẽ bị ảnh hưởng.
Sau những sai phạm về điểm thi tại một số địa phương, mới đây Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu tất cả các tỉnh thành trên cả nước rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức kỳ thi tại địa phương, nhất là khâu coi thi, chấm thi.
Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện sai phạm, kịp thời báo cáo Bộ GD-ĐT và căn cứ tình hình cụ thể có thể đề nghị cơ quan công an phối hợp điều tra, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo đúng quy định của Quy chế và pháp luật.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm các thí sinh trên cả nước đang tiến hành điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học. Do đó, nhiều thí sinh đang lo ngại rằng việc rà soát, thay đổi điểm thi sẽ ảnh hưởng tới quá trình xét tuyển đại học năm nay.
Trao đổi với VOV.VN, ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho hay: “Chúng tôi khẳng định, việc chấm thẩm định và cập nhật lại điểm (nếu có) của các thí sinh không ảnh hưởng đến công tác xét tuyển trên cả nước. Đồng thời, hiện các Sở GD-ĐT đang tiến hành chấm phúc khảo yêu cầu của thí sinh. Sau khi có kết quả phúc khảo, các sở GD-ĐT tiếp tục cập nhật điểm thi lên hệ thống. Vì vậy, việc cập nhật lại điểm trên hệ thống không ảnh hưởng gì đến quá trình xét tuyển”.
Ông Tuấn cũng lưu ý thí sinh cần nghiên cứu kỹ để lựa chọn ngành nghề yêu thích, phù hợp với mức điểm. Bên cạnh đó, thí sinh cũng nên thường xuyên kiểm tra lại thông tin trên hệ thống sau khi đã điều chỉnh nguyện vọng bằng cách đăng nhập vào hệ thống bằng tài khoản được cấp. Trong trường hợp thấy những thay đổi không đúng, thí sinh cần báo lại ngay cho cán bộ kỹ thuật tại các điểm tiếp nhận hồ sơ để xử lý kịp thời.
Đại diện Vụ Giáo dục Đại học cũng cho biết, hiện Bộ GD-ĐT đang phối hợp với Bộ Công an để tiếp tục điều tra những sai phạm trong thi cử. Trong quy chế thi và tuyển sinh cũng đã quy định rất rõ đối với các trường hợp gian lận trong thi cử sẽ có hình thức kỷ luật kết hợp với các quy định hiện hành để xử lý.
Trong trường hợp các sinh viên đã và đang học tại các trường đại học bị phát hiện có gian lận về điểm thi như ở Hà Giang cũng sẽ bị xử lý kỷ luật, hình thức cao nhất là buộc thôi học.
Với những thí sinh may mắn “trót lọt” vào các trường ĐH, ông Trần Anh Tuấn cho rằng điểm trúng tuyển vào các ngành là khâu đầu tiên trong quá trình đào tạo. Các trường tuyển sinh với điểm đầu vào thấp, có nghĩa là không chọn lựa được những sinh viên có đủ điều kiện để học tập vì quá trình đào tạo là tiến trình tích lũy kiến thức liên tục của người học. Mặt khác, các trường hiện nay đang tích cực đổi mới chương trình, xây dựng chuẩn đầu ra để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Vì thế, quá trình đào tạo sẽ sàng lọc, đào thải những sinh viên không đủ năng lực để theo học.
Trước những sai phạm về điểm thi tại Hà Giang, Sơn La, nhiều câu hỏi đặt ra rằng, liệu các trường đại học có tiến hành kiểm tra đầu vào với những thí sinh nghi vấn có điểm thi bất thường?
PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết, trên tinh thần tự chủ của các trường đại học, nên các trường có quyền đề xuất và thực hiện. Trong trường hợp các trường có đề nghị, Bộ sẵn sàng hỗ trợ các trường.
Theo VOV