Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Chính sách UNESCO về di sản thế giới
Đây là nhận định của ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội trong bài tham luận tại Hội nghị bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam vì sự phát triển bền vững diễn ra hôm nay (27.7), tại Hà Nội.
Ông Michael Croft trao đổi với đại biểu bên lề Hội nghị - Ảnh: VGP
Theo ông Michael Croft, cho đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 4 trong số 6 Công ước của UNESCO trong lĩnh vực văn hóa. Chính phủ nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa trong phát triền được ghi nhận là “một yếu tố quan trọng và là tác nhân cho sự phát triển bền vững” trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020.
Việt Nam đã xây dựng khung pháp lý quốc gia phù hợp với các cam kết quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, bao gồm Luật Di sản văn hóa được sửa đổi năm 2009 và Nghị định số 109/2017/NĐ-CP gần đây của Thủ tướng Chính phủ quy định về bảo vệ và quản lý Di sản thể giới. Luật Di sản văn hóa dự kiến sẽ được sửa đổi trong chu kỳ 10 năm vào năm 2019.
“Di sản thế giới luôn là điểm đến du lịch năng động và hấp dẫn nhất với sự gia tăng mạnh cả về số lượng du khách và doanh thu du lịch, có sự thay đổi rõ rệt trước và sau khi di sản được ghi danh”, ông Michael Croft cho biết.
Dòng khách du lịch hướng tới các khu di sản mang lại nguồn thu lớn và kích thích phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là ngành du lịch, tuy nhiên bên cạnh đó cũng mang lại nhiều thách thức trong công tác bảo tồn di sản.
Ông cho rằng, vẫn còn nhiều vùng xám cản trở hiêu quả quản lý di sản. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đa dạng của đất nước bao gồm các di sản được UNESCO công nhận, các yếu tô di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu, tạo thành nguồn lực lớn cho du lịch và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, có những thách thức ngày càng tăng đối với tính bền vững cùa các nguồn lực này chủ yếu do phát triển của du lịch, mất cân bằng trong chiến lược và thực hành bảo tồn và phát triển, thương mại hóa các lễ hội văn hóa và sự biến tướng của các phong tục văn hóa; và khoảng cách nới rộng trong chia sẻ lợi ích.
Một số quy định chồng chéo và mâu thuẫn cản trở việc quản lý di sản hiệu quả.
Theo phát biểu của đại diện Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Việt Nam đã chủ động tham gia vào các công việc chung của UNESCO, phát huy vai trò tích cực trong vấn đề bảo vệ di sản nói riêng và trong các lĩnh vực khác nói chung. Cho đến nay, Việt Nam đã 4 lần đảm nhiệm vai trò thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO.
Thông qua công tác điều phối các hoạt động liên quan đến quan hệ Việt Nam - UNESCO nói chung và trên lĩnh vực di sản nói riêng, Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực, chủ động, đóng góp ý tưởng, chất xám đối với UNESCO. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam đã đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Ủy ban Di sản thế giới (nhiệm kỳ 2013 2017), qua đó tham gia vào việc định hình các chính sách, chiến lược, chương trình của UNESCO liên quan đến bảo tồn di sản; đóng góp vào việc quản lý các di sản văn hóa, thiên nhiên trên thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã tích cực tham gia định hình luật chơi chung, mở ra một hướng đi mới đối với bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể khi đề xuất và bảo vệ thành công hồ sơ Hát xoan để chuyển từ danh sách di sản cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách di sản đại diện của nhân loại (năm 2017). Đây là lần đầu tiên các quốc gia thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 xem xét và thông qua việc chuyển một hồ sơ từ danh sách cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách đại diện của nhân loại.
Bên cạnh việc đóng góp nhiều ý tưởng, bài học quý báu của Việt Nam cho các quốc gia thành viên UNESCO, Việt Nam cũng chuyển tải các sáng kiến, kinh nghiệm tốt của UNESCO về bảo tồn và quản lý di sản để áp dụng vào Việt Nam. Các khu di sản của Việt Nam hiện nay đang học tập và áp dụng nhiều mô hình quản lý của thế giới như kết hợp công - tư, phát huy vai trò của người dân, cộng đồng; mô hình phát triển du lịch bền vững. Rõ ràng, các loại hình danh hiệu của UNESCO như di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, công viên địa chất toàn cầu, với những tiêu chí khắt khe về khoa học và quản lý, không chỉ là những danh hiệu mà còn là những mô hình phát triển kinh tế-xã hội bền vững mà các địa phương của Việt Nam có thể học tập và áp dụng một cách hiệu quả, đem lại những giá trị về kinh tế, du lịch, góp phần cải thiện đời sống của cộng đồng và người dân tại các nơi sở hữu danh hiệu.
Theo An Bình (Chinhphu.vn)