Diễn đàn kinh tế mùa Thu:
Đưa doanh nghiệp trở lại với niềm tin thị trường
Trong hai ngày 26 và 27.9, tại thành phố Huế, Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Viện hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2013 với chủ đề: “Kinh tế Việt Nam 2013, triển vọng 2014: Nổ lực đột phá 3 chiến lược”. Diễn đàn là là nơi quy tụ các chuyên gia kinh tế trong nước và nước ngoài, những nhà quản lý, để thảo luận tìm ra phương hướng đưa nền kinh tế thoát khỏi khó khăn, khủng hoảng, khuyến nghị chính sách cho năm 2014.
Năm 2013, tuy có dấu hiệu phục hồi ở từng lĩnh vực cá biệt, nhưng nhìn chung kinh tế Việt Nam chưa thoát khỏi giai đoạn trì trệ. Tốc độ và chất lượng tăng trưởng chưa được cải thiện đáng kể. Quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ sự đi xuống của kinh tế thế giới... Việc đưa ra chiến lược tái cơ cấu kinh tế là nhu cầu bức thiết.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận xét: Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đi qua, nhưng để lại hậu quả nặng nề, song kinh tế thế giới đã dần phục hồi. Riêng nền kinh tế của Việt Nam tụt hậu ngày một xa hơn, suy giảm GDP kéo dài từ năm 2006 đến năm 2013 là xu hướng “xuống đáy”. Mặc dù xu hướng ổn định và đà sụt giảm tốc độ tăng trưởng có vẻ đã được chặn lại. Tuy nhiên, Việt Nam rơi vào bẫy “tắc nghẽn” tăng trưởng.
Theo ông Trần Đình Thiên, Việt Nam đang tập trung vào phát triển ngắn hạn, mà chưa có một chương trình cơ cấu mang tính chiến lược.
“Chúng ta đã có những đề án, ví dụ như đề án tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước không thể theo kiểu đại trà, mỗi đơn vị tự thiết kế cho mình một cách tái cơ cấu. Mô hình tái cơ cấu là cải cách cái cơ chế vận hành của các tập đoàn nhà nước, hiện nay cơ bản tương đối giống nhau, những cái việc cụ thể là khác nhau. Muốn thay đổi cơ chế phải có đề án về mặt thể chế giống nhau cho tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước”, ông Thiên nói.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp HCM, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, những khó khăn của 2013 vẫn tiếp tục kéo dài và năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ. Hiện nền kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng bất ổn vĩ mô, nguyên nhân sâu xa là vẫn là từ nội tại của nền kinh tế, từ sự bất cập của cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng, việc thực thi các giải pháp ngắn hạn nhằm đối phó với tình hình đã làm cho thị trường mất phương hướng.
“Chúng ta không phối hợp tốt giữa ba nhóm chính sách: Chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và lộ trình điều chỉnh các loại dịch vụ hàng hóa công sẽ gây lạm phát trở lại. Vấn đề quan trọng nhất là phối hợp 3 nhóm này để đến 2015 chúng ta ổn định kinh tế vĩ mô ổn định trong những năm tiếp theo”, chuyên gia Trần Du Lịch cho biết.
Các thách thức ngắn hạn mà nền kinh tế đang phải đối diện là nguy cơ tái lạm phát cao, kèm theo sự trì trệ của thị trường. Tình hình nợ xấu chưa được cải thiện, nên tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài... Trong khi đó, những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa thể mang lại kết quả, nên thanh khoản của thị trường này khó được cải thiện, kéo theo đó việc xử lý nợ xấu của ngân hàng thương mại cũng sẽ khó khăn.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho hay: Đối với đoanh nghiệp hiện nay điều quan trọng nhất là phải đưa họ trở lại niềm tin thị trường để họ tiếp tục đầu tư. Những giải pháp liên quan đến các vấn đề nghẽn tắc, liên quan đến nợ xấu, hàng tồn kho thì cơ bản đã được giải quyết. Tuy nhiên, trong điều kiện tổng cầu yếu như hiện nay thì phải có một quan điểm hết sức nhất quán, để tránh rơi vào tình trạng kích cầu để tạo ra sự bất ổn trong tương lai.
“Điều quan trọng nhất là tập trung tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, bởi vì đây là điều kiện, là cái tiền đề cơ sở để tăng trưởng hợp lý cũng như khôi phục tăng trưởng, tạo ra những bước phát triển mới cho những năm tới” Ông Thắng khẳng định.
Mục tiêu của phát triển kinh tế trong năm 2014 phải được đặt trong tổng thể mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trọng tâm: Duy trì ổn định vĩ mô, giữ tăng trưởng ổn định; tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp; cải thiện vấn đề việc làm, thu nhập và đời sống của các tầng lớp dân cư.
. Theo Lê Hiếu (VOV)