Giám sát, phản biện xã hội: Thực chất, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân
Sau thời gian đầu còn lúng túng, bỡ ngỡ, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã đi vào nền nếp và thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ngày 27.7, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm (2014 - 2018) thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát (GS), phản biện xã hội (PBXH) và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội (CT-XH) và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong 5 năm qua, MTTQ và các đoàn thể CT-XH các cấp trong tỉnh đã thành lập 413 đoàn, tổ chức GS 875 cuộc, với 413 nội dung. Cùng với đó là 66 hội nghị phản biện, gửi lấy ý kiến tham gia góp ý 1.830 dự thảo văn bản.
Quang cảnh hội nghị.
Trung thực, thẳng thắn, làm rõ đúng sai
Nổi bật, qua hoạt động GS việc giải quyết khiếu nại của 20 hộ dân ở huyện Tuy Phước đã làm rõ nguyên nhân việc khiếu nại kéo dài của người dân liên quan đến quá trình tiếp nhận đơn thư khiếu nại, trình tự, thủ tục và kết quả giải quyết khiếu nại của nhiều cấp, ngành. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp với đoàn GS và làm việc nhiều lần với UBND tỉnh, UBND huyện Tuy Phước; kiên trì kiến nghị, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân và được UBND tỉnh chấp thuận, khắc phục; nhân dân đồng tình.
Trong khi đó, MTTQ và các đoàn thể CT-XH tổ chức nhiều hội nghị PBXH có sự tham gia của lãnh đạo các tổ chức thành viên, chuyên gia trên các lĩnh vực, nhân sĩ trí thức, thành viên các hội đồng tư vấn. “Các ý kiến trao đổi thẳng thắn, khách quan; nhiều ý kiến liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân trong việc tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương”, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hồ Thị Kim Thu đánh giá.
Đặc biệt, Dự án xây dựng khu phức hợp nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Vinpearl Quy Nhơn Hải Giang do Công ty TNHH MTV Vinpearl làm chủ đầu tư đã đổ đất, san lấp lấn biển ở Mũi Tấn (TP Quy Nhơn) để xây dựng ga cáp treo lên đến 12 ha, vượt 8 ha so với quy hoạch được phê duyệt; mục đích dự tính của chủ đầu tư là xây dựng khu biệt thự để bán. Việc đổ đất lấn biển ảnh hưởng lớn đến môi trường, dòng chảy của biển, dẫn đến lòng dân không yên. Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã báo cáo phản ảnh ý kiến và đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy sớm chỉ đạo xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm và có phương án khắc phục, trả lại hiện trạng bãi biển ban đầu.
Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện cũng tích cực vào cuộc. Năm 2017, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Quy Nhơn tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo Đề án “Di dời các DN, cơ sở tại Cụm công nghiệp Quang Trung vào sản xuất tập trung tại Cụm công nghiệp Bùi Thị Xuân” - một vấn đề rất mới. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Quy Nhơn Nguyễn Văn Thông, ngay sau khi tổ chức hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã ban hành văn bản PBXH kiến nghị UBND thành phố xem xét điều chỉnh, bổ sung các chính sách bồi thường, hỗ trợ cho DN, cơ sở sản xuất khi di dời đến nơi mới. Đồng thời đảm bảo việc di dời đến nơi sản xuất mới không làm gián đoạn quá trình sản xuất kinh doanh, không bị giảm sút kết quả kinh doanh.
Đoàn giám sát của tỉnh thực hiện giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo và chính sách hỗ trợ người có công cách mạng về nhà ở tại huyện Hoài Nhơn.
Hướng đến hiệu quả thực chất
Dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quá trình thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW vẫn còn những hạn chế nhất định. Một số cấp ủy Đảng thiếu quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Quá trình thực hiện chưa đi vào chiều sâu; trong xác định đối tượng, nội dung, phương thức thực hiện, hình thức thành lập đoàn GS và tổ chức PBXH còn lúng túng, thiếu chủ động. “Việc thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW mới chỉ tập trung chủ yếu cho hoạt động GS; công tác PBXH còn chưa được rõ nét, chủ yếu thực hiện ở việc tham gia góp ý kiến vào dự thảo các văn bản của Trung ương, của tỉnh như hoạt động thường xuyên của Mặt trận lâu nay”, bà Hồ Thị Kim Thu nhận định.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn cho rằng, để khắc phục các hạn chế đó, cần đa dạng hóa các hình thức tập hợp để thu hút ngày càng đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động.
“Nền tảng của GS, PBXH là ý kiến xã hội thông qua hội viên, đoàn viên và quần chúng, muốn có ý kiến chất lượng thì phải tập hợp tốt. Nội dung phải được xác định qua ý kiến xã hội, của đại đa số quần chúng, hội đoàn viên, chứ không phải ý kiến của một vài cá nhân nhân danh cử tri, nhân danh tổ chức. Tuyệt đối tránh tình trạng ý kiến cá nhân núp dưới danh nghĩa ý kiến tập thể”, ông Toàn nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng lưu ý, căn cứ chương trình làm việc, kế hoạch công tác hàng năm của cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, của chính quyền cùng cấp và trên cơ sở nắm bắt dư luận xã hội, ý kiến của đoàn viên, hội viên và nhân dân, Mặt trận và các tổ chức thành viên phải thật sự chủ động để lựa chọn nội dung, xây dựng kế hoạch GS, PBXH đảm bảo yêu cầu thực tiễn và đạt hiệu quả thiết thực.
Và, quan trọng không kém là khâu “hậu” GS, PBXH. Ban Dân vận Tỉnh ủy phải chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận giúp cấp ủy thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu và triển khai, thực hiện ý kiến GS, PBXH của các đơn vị, địa phương.
Phản biện có chọn lọc
“Cơ sở chính của PBXH là ý kiến xã hội, dư luận, tâm trạng xã hội, sự tác động của các cơ chế chính sách, các chương trình dự án đối với các giai tầng xã hội. Không phải dựa trên một dư luận xã hội “khơi khơi”, mà là dư luận và tâm trạng xã hội có chọn lọc thông qua hội viên, đoàn viên với những ý kiến tâm huyết, xây dựng. Cơ quan PBXH tiếp thu, lắng nghe rồi phản ánh với cấp ủy và chính quyền để có sự điều chỉnh, hoàn thiện ngay từ khi khâu xây dựng chính sách; đừng sa vào góp ý hình thức văn bản, cũng không phải tham gia công trình này nọ cao, rộng, sâu bao nhiêu… Ý kiến PBXH phải mang tính chọn lọc trên cơ sở khoa học chứ không phải “nghe cái gì nói cái đó”!”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy LÊ KIM TOÀN
“GS, PBXH cũng như các hoạt động khác của Mặt trận các cấp phải có sản phẩm cụ thể. Nếu không, Đảng chẳng giao việc mà dân cũng chẳng tin”.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh PHAN PHI HỔ
NGUYỄN VĂN TRANG