Vướng mắc từ các chính sách trong lĩnh vực y tế: Khó cho bệnh viện lẫn cơ quan quản lý
Một số chính sách mới áp dụng cho công tác khám chữa bệnh thời gian qua đã góp phần giúp người bệnh “nhẹ nhõm” hơn. Tuy nhiên, cùng với đó, một vài điểm không rõ ràng hoặc chưa phù hợp với thực tế đang tạo ra những khó khăn cho cả bộ phận quản lý lẫn cơ sở y tế.
Thông tư số 15/2018/TT-BYT ra đời quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc, nhằm thay thế Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29.10.2015. Trong đó, rất nhiều dịch vụ kỹ thuật đã được giảm giá so với trước, giúp người có thẻ BHYT giảm bớt chi phí khi khám chữa bệnh. Tuy nhiên, việc áp dụng cùng lúc giá viện phí theo Thông tư 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 15.3.2017, áp dụng cho bệnh nhân không tham gia BHYT và giá viện phí mới của Thông tư 15 khiến các bệnh viện gặp nhiều rắc rối.
Quy định về thanh toán giường bệnh gây khó cho các cơ sở y tế, nếu một giường bệnh có 2 bệnh nhân nằm/ngày.
- Trong ảnh: Điều trị bệnh nhân đột quỵ tại khoa Thần kinh - BVĐK tỉnh.
Rắc rối thanh toán BHYT
Bác sĩ CKII Hồ Việt Mỹ, Giám đốc BVĐK tỉnh, cho biết: “Một bệnh nhân khi nhập viện không xuất trình thẻ BHYT, chúng tôi ghi các chi phí theo Thông tư 02, nhưng nếu sau đó vài ngày họ trình thẻ BHYT, nhân viên y tế sẽ phải chuyển toàn bộ danh sách dịch vụ kỹ thuật, thuốc men của bệnh nhân theo Thông tư 15. Tại sao chúng ta không áp dụng cùng một mức giá, ai có thẻ BHYT thì được giảm tương ứng bao nhiêu phần trăm, ai không có thẻ thì phải chi trả toàn bộ? Cách áp dụng đồng thời hai mức giá đang làm mất rất nhiều thời gian của các cơ sở y tế”.
Không chỉ “vướng” ở vấn đề giá, việc thanh toán tiền giường bệnh BHYT cũng gây phiền hà cho các bệnh viện. Quy định mới cho phép bệnh nhân được tính 1 ngày tiền giường nếu thực tế nằm viện từ 4 giờ trở lên. Nhưng nếu trong 1 ngày, một bệnh nhân xuất viện, sau đó một bệnh nhân khác nhập viện nằm đúng vào chiếc giường này thì bệnh viện không được thanh toán BHYT. Lý do là thông tin khi chuyển lên cổng thanh toán BHYT bị tự động từ chối.
Bên cạnh đó, việc quy định hạng, tuyến của các bệnh viện chưa hợp lý cũng gây khó cho bệnh nhân, khi họ không được thanh toán tiền xe chuyển viện. Đơn cử như một bệnh nhân điều trị tại BVĐK tỉnh, khi được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) sẽ không được thanh toán tiền xe chuyển viện. Bởi theo quy định của Bộ Y tế, chỉ khi bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới lên tuyến trên mới được thanh toán. Trong khi đó, theo phân hạng, Bệnh viện Nhi đồng 2 là bệnh viện hạng 1 của TP Hồ Chí Minh, tương đương hạng của BVĐK tỉnh.
Chồng chéo trong công tác đấu thầu thuốc
Để quản lý công tác đấu thầu thuốc, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, với những quy định thiếu tính thống nhất, gây nên tình trạng chồng chéo giữa các văn bản, gây khó cho công tác thực hiện. Bên cạnh đó, việc quản lý chất lượng thuốc trúng thầu vào các bệnh viện để đảm bảo hiệu quả công tác điều trị còn thiếu những biện pháp đảm bảo tính chặt chẽ.
Theo bác sĩ CKII Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, việc xây dựng giá kế hoạch để lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trình UBND tỉnh phê duyệt có nhiều khó khăn. Đó là vì giá kế hoạch theo quy định của Thông tư 11/2016/TT-BYT quy định: Tham khảo giá thuốc trúng thầu trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược, của Cục Quản lý y, dược cổ truyền hoặc của BHXH Việt Nam làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc theo nguyên tắc: giá kế hoạch của từng thuốc không được cao hơn giá trúng thầu cao nhất của thuốc đó trong mỗi nhóm thuốc đã được công bố. “Tuy nhiên, trên thực tế giá trúng thầu công bố của một mặt hàng thuốc có biên độ giá quá rộng, ví dụ có loại thuốc có thể từ 178 đồng/viên đến 2.979 đồng/viên (chênh lệch 16 lần), như vậy, rất khó để lựa chọn giá trúng thầu nào là phù hợp nhất để lập giá kế hoạch” - bác sĩ Hùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, mặc dù Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn số 1827/QLD-GT ngày 16.9.2016 khẳng định: Đối với trường hợp thuốc đã trúng thầu theo quy định, có giá trúng thầu không cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại đã được công bố thì thực hiện thanh toán theo đúng mức giá trúng thầu. Công văn thì vậy, song hàng năm BHXH Việt Nam vẫn chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xem xét lại những mặt hàng thuốc có giá trúng thầu cao hơn địa phương khác, trong khi đó, những mặt hàng có giá thấp thì không đề cập đến việc thực hiện như thế nào. Ông Lê Quang Hùng than phiền: “Quy định xem xét lại giá này không có trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Nhà nước, điều này gây khó khăn cho Sở Y tế, cho việc thanh toán chi phí tiền thuốc của cơ quan BHXH đối với các cơ sở khám chữa bệnh”.
LÊ CƯỜNG