Những hoài niệm yêu
Quán trọ thời gian (NXB Ðà Nẵng, 2017) là tập tản văn của một thầy giáo đã bước vào tuổi 80 - Trương Trọng Thông, với nhiều bài viết ghi dấu lại một thời đã xa, có cái rưng rức của hoài niệm tuổi trẻ, cái lãng đãng của tình yêu lứa đôi.
Tác giả Trương Trọng Thông (SN 1939, hiện sống tại Quy Nhơn). Ông là cựu giáo viên Toán và Triết.
Người viết xác định thể loại của tập sách là tản văn, tuy nhiên, có nhiều bài gần như là truyện ngắn, như Tựa như là huyền thoại, Một ngày còn mãi, Bóng ma chập chờn, Dấu chân kỷ niệm. Ở đó, có mối duyên tình thuở đôi mươi của ba người Long, Dũng, Mai trong Tựa như là huyền thoại. Cái vấn vương của tình yêu lãng đãng thuở mới vào đời và những thuần hậu, chân thành trong cách sống chan hòa tình nghĩa của ba nhân vật là những hoài niệm đẹp. Nhất là sau bao tháng năm nhìn lại, họ vẫn dành cho nhau nỗi nhớ chân thành, dẫu mỗi người đã có những bến bờ hạnh phúc riêng. Có lẽ vậy nên tác giả nghiệm rằng: “Hạnh phúc của một ai đó dù hoàn hảo thực tế mấy đi nữa, cũng phải vướng chạm vào, cũng giao thoa của cái ảo, cái thực, cái còn, cái mất”. Ở đó, còn là mối tình “khuấy mãi chẳng thành hồ” của thầy giáo Trúc và cô gái quê tên Gái bên dòng sông An Dũ trong Dấu chân kỷ niệm. Hơn nửa đời người ngoái vọng, mối tình dở dang ấy vẫn còn khiến họ luyến nhớ như một hoài niệm không thể bôi xóa trong đời mình…
Các tác phẩm đã xuất bản: Tình người vô biên (truyện dài, NXB VHTT, 2012), Vòng tay độ lượng (truyện dài, NXB Thời đại, 2013), Cây nhân sinh (truyện ngắn, NXB VHTT, 2014), Chùm sao Bắc Đẩu (tản văn, NXB Đà Nẵng, 2015).
Cũng viết về tình yêu, nhưng bài Một ngày còn mãi có độ đằm hơn khi bứt ra khỏi thể tài tình yêu thuở đầu đời để đi sâu vào thân phận con người, mà ở đây là thân phận người phụ nữ. Đọc bài viết, người đọc như xót xa với mối tình của Sơn và Nguyệt, rồi bất chợt chạnh nhớ đến nỗi đau chung của những người thiếu phụ chờ chồng, nỗi đau chinh phụ, tái hiện trên những mỏi mòn đợi mong của Nguyệt với Sơn. Thật tiếc, nếu gia công thêm, có thể đây sẽ là một truyện ngắn tạo nhiều dấu ấn của tác giả thay vì nằm trong một hợp thể được xác định là “tản văn”.
Cũng khai thác về đề tài tình yêu lứa đôi, nhưng trong Bóng ma chập chờn, đã có những bến đỗ an yên cho những cuộc tình đầy sóng gió. Mối tình giữa Nghĩa và Bích Nga, giữa Đoan và Diệu Nga sau bao biến cố đã kết thành duyên đôi lứa. Một kết thúc hậu. Qua bài viết, người đọc còn nhận ra những bóng ma thù hận, bóng ma sân si, bóng ma nhục dục… vẫn thường trú trong mỗi chúng ta. Nếu không tỉnh táo, nếu không bao dung, bóng ma ấy sẽ kéo ta vào vòng vướng lụy khổ đau, dằn vặt day dứt.
Một điểm đáng chú ý trong tập sách của Trương Trọng Thông, là không gian trong các bài viết của ông đề cập nhiều đến những vùng đất, con đường, địa chỉ của Bình Định. Đó là những tuyến đường Đào Duy Từ, An Dương Vương, những Ghềnh Ráng, mộ Hàn Mặc Tử, những dòng sông quê An Dũ, sông Gò Bồi… Những không gian gần gụi đó, đã neo giữ bao hoài niệm, bao tấm chân tình của tác giả.
Cùng với ngôn ngữ diễn đạt giản dị, thô hào như lời ăn tiếng nói của người Bình Định, không gian cụ thể của tạp văn Trương Trọng Thông khiến những người từng biết qua vùng nước, con người Bình Định cảm nhận thật rõ cái tình của một thầy giáo già nặng tình với đất và người quê hương, bản xứ. Quán trọ thời gian được tác giả diễn đạt trong văn phong nhẹ nhàng, vừa có sự chiêm nghiệm về cuộc đời, vừa có cái đáng yêu của hoài niệm về tình yêu; ắp đầy cái tình, cái đôn hậu chân thành, khiến độc giả yêu mến và trân trọng.
VÂN PHI