Tiếng chuông trong lòng tay
Tháp Bánh Ít là cụm á tháp của Bình Định, theo xếp hạng của các chuyên gia Pháp. Họ gọi tháp Bánh Ít là Tháp Bạc. Danh hiệu Tháp Vàng thuộc về tháp Phốc Lốc.
Với riêng tôi, tháp Bánh Ít là vàng, vàng theo nghĩa bạn cố tri. Lần đầu tôi chạm tay vào thân tháp cách đây bốn mươi hai năm, khi còn là cô học trò lớp sáu trường huyện An Nhơn. Cũng trong lần ấy tôi suýt chết ở giếng đá ong của một ngôi chùa gần tháp.
Hồi đó, tôi và cô bạn cùng lớp đèo nhau bằng xe đạp đi tìm cây dương xỉ để nộp cho cô giáo Sinh vật. Dang nắng suốt buổi sáng không tìm ra, đói, khát nước, hai đứa ghé ngôi hàng lụp xụp dưới gốc cây trứng cá, dựng xe, gọi mỗi đứa ba chén bánh bèo, một ly nước mía. Bà già chủ quán thấy hai nhóc con tóc khét nắng da đen nhẻm vừa ăn vừa khịt khịt mũi mới hỏi: “Bay đi đâu nắng nôi, ơ bay?”. Cô bạn của tôi đon đả trả lời: “Gạ, kụi con kiếm cây gương khỉ”. Bà già nghiêng tai: “Hử? Bay nói sao?”. Tôi phiên dịch: “Dạ, tụi con kiếm cây dương xỉ”. Cô bạn trề môi, gật gật, ý ngầm chê bà chủ quán chậm hiểu và khen tôi dịch chuẩn. Bà già cười ngất: “Trời đất quơi, cây dương xỉ mà nó kêu gương khỉ... Tao biết chỗ, để tao chỉ cho”. Bạn tôi nhanh nhảu: “Cỗ ngào bà kỉ gùm cái!” - Chỗ nào bà chỉ giùm cái. Ô la la, lần này bà già hiểu. Bà nói: “Bay lên dốc tháp Bánh Ít rồi đi xuống thiền viện Nguyên Thiều, chỗ giếng đá ong dương xỉ mọc đầy”. Hai đứa mừng rỡ, cảm ơn bà rồi đèo nhau đi tiếp.
Núi cao. Dốc đứng. Khỏi phải nói cái đoạn hai đứa khiêng xe đạp lên dốc khổ ải trần sanh thế nào. Thời đó xe đạp rất quý, nhà bạn tôi khá giả mới sắm nổi xe đạp cho con, còn tôi chỉ được đi ké. Vì vậy, khó cỡ nào cũng đem xe theo, không dám bỏ dưới chân núi. Lên đến nơi, hai đứa tò mò dòm những ngôi tháp đỏ quạch huyền bí, vừa rón rén dắt nhau lên ngạch cửa, vừa lẩm bẩm niệm Phật. Lúc bước vào tháp chủ, mùi phân dơi khô xộc lên ngai ngái, gió từ trên cao thốc xuống u u từng hồi dài, trống ngực tự nhiên đổ điên loạn. Mặt đứa bạn tái như đít nhái, giọng nó lạt đi: “Kao gun quá nè! Kao khợ ma!” (Tao run quá nè! Tao sợ ma!) Tôi cũng mềm nhũn cổ chân, nhưng cố nói cứng: “Tháp thờ thần mà, làm gì có ma! Mà thôi, tụi mình qua chùa tìm dương xỉ đi, mai tới hạn nộp rồi đó”. Hai đứa ù té ra khỏi tháp, khiêng xe chạy xuống dốc qua chùa. Ôi những bàn chân con nít nhỏ xíu, còn con đường thì khúc khuỷu, hoang vắng và dài, càng sợ càng ngán càng thấy dài.
Rồi cũng đến nơi cần đến. Hai đứa dắt xe đi vòng theo lối mòn qua giếng chùa chớ không vào chùa. Giếng chùa bằng đá ong ngả màu nâu tía. Sâu lắm, chúng tôi còn quá nhỏ để bận tâm về độ sâu ước chừng bao nhiêu thước. Chỉ biết vịn thành giếng ngó xuống thấy hàng trăm vòng đá ong hun hút. Giữa chừng có một gờ đá trồi ra, nơi đó rêu và dương xỉ xanh rì. Từ đó xuống đáy giếng là nghìn trùng, có lẽ bằng từ đầu chúng tôi lên trời lộn ngược. Đáy giếng có mây. Thăm thẳm!
Bạn tôi lấy một viên cuội thả xuống giếng, vọng lại là một tiếng chũm mỏng tang, mơ hồ. Nước loang nhẹ rồi tĩnh liền lại, thậm chí không thấy tăm. Nó hỏi tôi: “Gàm khao đây, mày?”. Làm sao đây? Đàng nào cũng phải hái cho được. Tôi nhìn sợi dây gàu, rồi nhìn cây sào dựng bên giếng. Khèo thôi! Hai đứa tháo dây thun buộc tóc, bẻ nhánh cây dại tuốt lá, lấy một đoạn chừng gang tay, buộc chéo góc trên đầu sào, lụi hụi khèo. Trời ơi, hết tầm cây sào vẫn còn cách bụi dương xỉ một sải tay!
Tôi bảo nó: “Tao nhẹ hơn mày. Để tao nhoi xuống ráng khèo, mày giữ chân tao thiệt chặt nhen! Nhớ đó! Mày mà run là tao rớt luôn đó, không được run, nhen!”
Nó bặm môi gật gật. Nhưng run là cái chẳng ai bảo ai đừng mà đừng được. Tôi đã biết lạnh ở cuống tim là thế nào, khi mười ngón tay nó...
A Di Đà Phật! Một bàn tay to lớn nắm cổ chân tôi kéo ngược lên, rồi thả tôi xuống nền giếng, trong khi bạn tôi ngã vật ra, mặt cắt không còn hột máu. Nó lao vào ôm tôi, khóc như... tôi chết. Nhưng tôi thoát chết.
Đọc truyện cổ tích, người đời bán tín bán nghi sao lúc nào Tấm khóc Bụt cũng hiện ra, riêng tôi thì không. Tôi có lý do để nghiêm trang đón nhận các chi tiết huyền ảo mà không thắc mắc hay đùa bỡn, bởi đã từng có những hạnh ngộ không lý giải nổi, tựa hồ gió thổi lá bay thì thế gian cùng biết, nhưng lá chạm vào ai thì chỉ một người cảm nhận được. Đơn giản vậy thôi!
Trong khoảnh khắc ấy và cả trong ký ức tôi hơn bốn mươi hai năm qua, có một tà áo nâu lộng gió. Sau khi lắng nghe tôi nói, Thầy đã trút lớp áo nâu già, thoăn thoắt trèo xuống thành giếng đá ong. Hai đứa chúng tôi lồm cồm đứng dậy, còn chưa kịp tới xem thì Thầy đã vọt lên khỏi miệng giếng, đưa cho tôi mấy bụi dương xỉ, rồi phủi tay nhấc tấm áo khoác vào người. Bạn tôi vỗ tay reo: “Gỏi ghê! Khầy gỏi ghê luôn!”.
Một nụ cười. Một cái lắc đầu. Một câu dặn dò: “Các con về đi. Lần sau đừng liều, nghe không?”
...
Tôi trở lại tháp Bánh Ít, chạm tay vào lớp gạch cổ, lắng nghe trầm tích chảy về. “Ơi tháp, nhận ra ta không?”. Mạch đá rền rền dưới vân tay: “Bao nhiêu mây đã trôi qua rồi đấy. Cây trên núi cũng đã đổi thay. Những người cùng đi hôm nay không có cô bé ấy nhỉ, cái cô bé càng run càng ngọng líu ngọng lo ấy?”. “Vâng, cô bé ấy đã thành bà ngoại, mỗi khi dỗ cháu hay mắng cháu vẫn ngọng líu như vậy”.
Dưới kia, lưng chừng núi vẫn là thiền viện, là chùa, là giếng, và thêm mấy độ rêu phong. Tôi ngửa lòng tay trong một nghi thức tạ ơn, vừa lúc tiếng chuông chiều vọng lên tháp, lan ra không trung, hòa vào mây trắng. Gió lồng lộng. Giữa trời chiều, tháp chủ Lanka giống một dáng người. Thấp thoáng một tà áo nâu, một nụ cười, một cái lắc đầu.
Và mây cứ bay...
Trần Thị Huyền Trang