An Lão: Nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
UBND huyện An Lão cùng các hội, đoàn thể và chính quyền các xã, thị trấn tuy có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động, thế nhưng, tình trạng tảo hôn, sinh con chưa đủ tuổi kết hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn vẫn còn xảy ra để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Có chồng từ tuổi 15
Chuyện về tảo hôn, sinh con chưa đủ tuổi kết hôn và hôn nhân cận huyết thống ở huyện miền núi An Lão vẫn là một vấn đề nóng trong những năm vừa qua. Dù địa phương đã có nhiều kế hoạch, phương án để giảm thiểu nhưng hầu như hiệu quả vẫn chưa như mong muốn.
Tuyên truyền giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho người dân thôn 3, xã An Hưng (An Lão).
Theo thống kê sơ bộ của Phòng Dân tộc huyện An Lão, đầu năm 2018 đến nay, toàn huyện xảy ra hơn 10 vụ tảo hôn, sinh con chưa đủ tuổi kết hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đáng lo là tình trạng này không chỉ xảy ra ở các xã có điều kiện kinh tế khó khăn, địa bàn cách trở như An Hưng, An Quang, An Trung, An Toàn; nay còn lan sang các xã An Hòa và An Tân. Có trường hợp có chồng chỉ mới 15 tuổi, như trường hợp Đinh Thị N. (15 tuổi) do có bầu với Đinh Văn P. (20 tuổi, người ở xã An Trung) nên không tổ chức đám cưới mà dẫn nhau về sống với nhau như vợ chồng.
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho rằng: Nhận thức, hiểu biết pháp luật hôn nhân và gia đình của một số người dân, đặc biệt trong cộng đồng người dân tộc thiểu số còn hạn chế; phong tục tập quán còn lạc hậu; một số chính quyền địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động là những nguyên nhân khiến tình trạng tảo hôn ở địa phương trở nên phức tạp hơn.
Đến năm 2021, không còn tình trạng tảo hôn…
Trước thực trạng tảo hôn, sinh con chưa đủ tuổi kết hôn và hôn nhân cận huyết thống ở huyện miền núi An Lão vẫn còn diễn ra, UBND huyện An Lão đã ban hành kế hoạch “Thực hiện ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện giai đoạn 2016-2021”. Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là đến năm 2021 cơ bản không còn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn lực trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Kế hoạch hành động đã có, song thực hiện sao cho hiệu quả mới là quan trọng. UBND huyện An Lão cũng nhận định tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là một chủ đề nhạy cảm, nên không chỉ nói suông. Do đó, thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cùng tổ chức hội đoàn thể, UBND các xã, thị trấn tăng cường các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, trang bị những kiến thức về pháp luật; về hôn nhân và gia đình,… nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội vào cuộc ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhất là ở các địa bàn vùng dân tộc thiểu số nguy cơ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao. Đề cao vai trò trách nhiệm của chính quyền cấp cơ sở, phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia công tác tuyên truyền, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu còn tồn tại trong đời sống của người đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo ông Lâm, song hành với công tác trên, huyện yêu cầu các cơ quan chức năng, chính quyền sở tại tăng cường quản lý, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình. Toàn huyện sẽ phấn đấu đến năm 2021 cơ bản ngăn chặn không để xảy ra tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và sinh con khi chưa đủ tuổi kết hôn.
Ông Đinh Văn Cung, Chủ tịch UBND xã An Vinh, cho hay: “Địa phương sẽ quyết tâm hành động cùng với UBND huyện ngăn chặn triệt để nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương. Phương châm vận động vẫn là “mưa dầm thấm lâu”, trong đó, xã sẽ tập trung tuyên truyền về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thông qua các buổi giám sát chuyên đề, chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản được tổ chức tại cơ sở”.
Còn ông Đinh Văn Liên, Chủ tịch UBND xã An Nghĩa, chia sẻ: “Xã sẽ chú trọng hơn đến nhóm đối tượng này bằng nhiều hình thức truyền thông, qua cách làm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” mới hy vọng mang lại hiệu quả”.
Theo Ðiều 47 Nghị định 110/2013/NÐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tảo hôn, tổ chức tảo hôn: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; phạt 1-3 triệu đồng đối với hành vi cố ý duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn dù đã có quyết định của TAND buộc chấm dứt quan hệ đó. Ngoài ra, nếu cố tình tổ chức việc kết hôn cho người chưa đến tuổi kết hôn gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Ðiều 183 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: “Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm”.
TRỌNG LỢI