Rủ nhau đào đất tìm sùng
* Phóng sự của Hoàng Nam Quốc
Hơn 2 tuần qua, hàng trăm người dân ở xã An Hòa và An Tân - huyện An Lão đã đổ xô ra các vùng đất soi, nà ven sông An Lão đào, xới bắt con sùng nằm trong lòng đất. Hàng chục ha đất sau khi thu hoạch xong hoa màu, chạy dài hơn 5 km từ thôn Trà Cong - xã An Hòa, đến thôn Thanh Sơn - xã An Tân đã bị người tìm sùng đào bới không còn sót một chỗ nào…
Đào sùng cũng lắm công phu
Sùng đất là ấu trùng của con bọ hung, chúng chuyên ăn phá mía non, khoai mì. .. Sùng ăn mía có màu vàng đậm, to bằng ngón tay cái người lớn. Sùng ăn khoai mì có màu trắng, to hơn sùng mía. Nhà nông dùng nhiều cách để tiêu diệt sùng bởi chúng là “hung thần” tàn phá mùa màng. Nơi nào sùng đào hang làm ổ, nương khoai mì, rẫy mía bị chúng cắn tan tành gốc rễ khiến cây chết khô như gặp nắng hạn.
Việc đào sùng làm thức ăn đã có cách đây vài năm ở nhiều nơi trong nước, trong đó có huyện An Lão. Song trước đây chỉ là chuyện ăn chơi, còn hiện nay có cả một lực lượng chuyên đào sùng để bán cho các quán nhậu. Anh Nguyễn Văn T. ở thôn Tân An, xã An Tân, chuyên đào sùng để bán, bộc bạch: “Bây giờ, sau mùa vụ là lúc nông nhàn, chưa có việc gì làm, thấy người ta rủ nhau đi đào sùng, vợ chồng tôi cũng vát cuốc, mang xô đi đào. Lúc đầu tôi nghĩ đào sùng về làm thức ăn cho gia đình, vì món lạ, ngon miệng. Nhưng sau đào được nhiều sùng quá ăn không hết, có người đặt mua, thế là ngày nào bất kể nắng, mưa, vợ chồng tôi cũng “mang tơi, đội nón” đi đào sùng”.
Không chỉ có vợ chồng anh T mà gia đình của ông L, chị X ở thôn Thuận An, xã An Tân cũng được nhiều người biết đến vì thành tích đào sùng vượt trội. Ông L kể: “Mấy cha con tôi chỉ tranh thủ đào sùng vào lúc sáng sớm và chiều mát, chứ không đi cả ngày như người khác, vì tôi còn làm thợ mộc và mấy đứa nhỏ còn đi học”. Ông L nói tiếp: “ Lúc 4 giờ sáng, tôi gọi các con dậy, làm vệ sinh xong là vác cuốc, cầm xô, đeo thêm chai nước uống rồi theo hướng bờ sông thẳng tiến để đào sùng. Cứ vậy mà ngày nào cha con tôi cũng kiếm được vài, ba trăm ngàn đồng, góp thêm cho mấy đứa nhỏ mua sách, vở và có cái để cải thiện bữa ăn”.
Tôi đã quyết định theo anh T để xem công việc đào sùng như thế nào. Từ mờ sáng, hai bên bờ sông An Lão đã nhấp nhô hàng trăm bóng người. Tiếng cười nói râm ran, tiếng cuốc bổ vào lòng đất huỳnh huỵch, giống như cao điểm người dân nơi đây đang làm đất, gieo trồng vào mùa vụ mới vậy.
Chị Th. Vợ anh T, chân mang ủng, găng tay, mặt trùm kín mít, chỉ chừa lại đôi mắt để nhìn, vừa bổ từng nhát cuốc vào lòng đất, chị vừa tán vụn đất ra để nhặt từng con sùng một cách thuần thục. Chị Th cho biết: “Sùng đào lên, ngắt đít xong là cho vào nước ngâm ngay, nếu không nó sẽ chuyển sang màu đen và mọc những sợi lông tơ, bốc mùi ươn, ăn không ngon. Nếu không ngâm nước thì có thể bảo quản sùng tươi ngon bằng cách cho nguyên con vào xô, chậu, rồi phủ lên một lớp cát, giống như con sùng đang sống dưới đất là được”.
Mặt trời lên cao rát bỏng cả da thịt, người lớn ai cũng ước đẩm mồ hôi, còn mấy đứa trẻ nhỏ mặt đỏ gay như quả gấc, nhưng ai nấy cũng chăm bẳm, hỳ hục đào. Không phải cứ bổ cuốc vào đất, đào lên là bắt được sùng ngay, mà phải năm, bảy nhát cuốc mới gặp được một vài chú sùng nung núc, trắng phau. Người “trúng mánh” gặp được gốc lau, lách hoai mục giữa bãi sông thì cầm chắc cả kg sùng béo múp (bình quân từ 220 đến 250 con/kg).
Anh T cho biết thêm: Người đào giỏi thì mỗi ngày cũng bắt được từ 2-3 kg sùng, ít thì cũng được ½ kg hoặc 1kg. Một điều kỳ lạ là ở vùng đất người ta đào tìm sùng rồi nhưng vài ngày sau xới đất trở lại vẫn tìm được nhiều con sùng to tròn. Chính vì vậy mà người tìm sùng cứ đào bới đất nhiều lần, không cho một cây cỏ nào mọc được. Hiện nay tại An Lão, các thương lái mua 1kg sùng với giá từ 80.000đồng – 100 ngàn đồng; người đào sùng có thu nhập từ 160 ngàn đồng – 300 ngàn đồng/ngày. So với ngày công lao động hiện nay tại địa phương thì đào sùng bán cũng cho thu nhập khá. Sùng ở An Lão không những tiêu thụ tại địa phương mà còn được vận chuyển mua, bán tại các địa phương khác ngoài huyện.
Sùng - món ăn đặc sản
Con sùng là món ăn giàu chất dinh dưỡng được nhiều người ưa thích. Ở An Lão, hàng năm sùng chỉ xuất hiện trong lòng đất ven sông từ tháng 9 đến tháng 10 (Dương lịch). Sùng thích trú ẩn và sinh sống ở vùng đất bồi pha cát chạy dọc theo bờ sông, suối. Thức ăn chính của sùng là gốc mì, mía, các gốc lau, lách hoai mục, rễ các loại họ đậu và các chất mùn có trong đất. Muốn giữ sùng tươi ngon được lâu, người ta làm sạch ruột, cắt mõm, loại bỏ răng sùng, để ráo nước, bỏ vào túi nylon buộc chặc cho vào ngăn đá tủ lạnh, có thể để dành trong vài tháng vẫn sử dụng được.
Hiện nay, cùng với món dế cơm và cá niên, con sùng cũng đã trở thành món ăn đặc sản không thể thiếu trên bàn nhậu hoặc bữa cơm mời khách của người dân An Lão. Sùng có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, nhưng chung quy lại có 3 món “chủ lực” là sùng xào lá lốt, sùng nướng chấm muối ớt và sùng chiên bột. Dù cách chế biến khác nhau nhưng khi ăn một con sùng có thể cảm nhận sự ngon miệng bởi nớ hòa quyện giữa độ giòn, dai, béo ngậy... Món sùng càng hấp dẫn hơn nếu được nhâm nhi với một chút bia, rượu vừa phải. Mùa này, tại các nhà hàng, quán nhậu ở xã An Hòa - huyện An Lão đều có các món nhậu đặc sản từ sùng. Giá một đĩa sùng khoảng 80.000 đồng đến 100 ngàn đồng. Có thời điểm, sùng đã trở thành món ăn khan hiếm…
Hệ lụy của việc đào sùng là làm cho lớp đất mún màu mỡ ven sông bị bào mòn, cuốn trôi khi có mưa lũ xuất hiện, ảnh hưởng đến sản xuất. Tuy nhiên, đào bắt sùng cũng là giải pháp góp phần đáng kể trong việc bảo vệ cây trồng.
Theo Từ điển Động vật và khoáng vật làm thuốc ở Việt Nam của Võ Văn Chi, (Nhà xuất bản Y học 1998), sùng đất là ấu trùng của loài bọ hung Holotrichia Sauteri Moser, thuộc họ sùng đất - Melonihidae. Là dạng ấu trùng biến thái thường gặp trong đất, ăn rễ cây và lá cây. Khi phơi khô, ấu trùng có tên là Tề tào, vị mặn, tính bình, có độc, có tác dụng phá huyết, hành ứ, tán phong bình suyễn, thông sữa, minh mục khu ế. Tề tào dùng trị vết thương té ngã ứ huyết, đau phong, phá thương phong, đau họng, mắt có màng, ung nhọt, lở trĩ. Dùng uống ở dạng hoàn tán, dùng ngoài tán bột rắc hoặc giã đắp. Tuệ Tĩnh đã viết trong Nam Dược Thần Hiệu: Tề tào - con sùng đất, vị mặn, tính hơi ấm, có độc, phá huyết, thông kinh, trị nhọt ở nách, gãy xương, mắt mờ, phong lở. Hải Thượng Lãn Ông ghi nhận trong Lĩnh Nam bản thảo: “Tề tào tục gọi con sùng đất, hơi ôn, vị mặn, tính độc thật, phá huyết, thông kinh, chữa nhọt sườn, chữa gãy xương, mụt phong, màng mắt”.
Bài và ảnh: HOÀNG NAM QUỐC